Tôi lật những trang báo ra như mỗi buổi sáng bình thường, những dòng thông tin về một trưởng công an xã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dường như vẫn ít ỏi và có gì đó bình thường giữa ngồn ngộn thông tin về cuộc sống này.
Nhiệm vụ của người chiến sĩ công an vẫn âm thầm gánh vác trong nhịp sống thường ngày, không phải ai cũng nhận ra. Cuộc sống cứ thế trôi đi với nhiều áp lực, lo toan, và những khoảnh khắc bình yên là một phần mà chúng ta xứng đáng được có trong thước đo hạnh phúc khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia thanh bình, điểm đến an toàn, con người thân thiện. Nhưng sự bình yên đó không phải dễ dàng có được khi nơi biên cương, ngoài hài đảo, giữa xóm làng nông thôn hay nơi phố thị sôi động, người chiến sĩ công an vẫn ngày đêm bám theo cuộc sống. Đó có thể là những con người đối diện với nguy cơ mắc bệnh về hô hấp ở tỷ lệ cao như Cảnh sát Giao thông, là thường trực với những hiểm nguy không lường như Cảnh sát Hình sự, Ma túy, Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay cả những lực lượng âm thầm mà chúng ta không biết họ là ai.
Chúng ta vẫn chứng kiến một nhịp sống rất khác của bao gia đình có người thân khoác lên mình sắc phục của người chiến sĩ công an. Là nỗi buồn phảng phất, sự thiếu vắng đã thành quen mỗi dịp lễ tết. Có những đứa trẻ chỉ mong được ba chở đi chơi tết như bạn bè mình nhưng rất hiếm hoi; có những người vợ mong có chồng trèo lên mái nhà chằng lại tấm tôn khi bão sắp đổ bộ nhưng lại ôm lấy nỗi lo âu nơm nớp khi người đàn ông trụ cột ấy lại băng ra đường đi cứu hộ; có những người mẹ chờ con mình về cúng giao thừa cùng cả nhà chào năm mới nhưng con lại trở thành người xông đất sau khi lo xong chuyện ngoài đường. Có cả những người buổi sáng hôn lên má con, dắt chiếc xe ra khỏi nhà cho vợ, tạm biệt mẹ già và rồi tối không còn về nữa…
Nhưng đó là câu chuyện đương nhiên. Và vì thế, lắm lúc nó trở nên khuất lấp so với những hình ảnh ngoài chuẩn mực mang tính cá biệt lâu lâu được tung ra nhưng lại có sức hút ghê gớm đối với dư luận. Như là những “cú rải đinh” mà một nhà báo đàn anh của tôi ví von cách đây vài ngày, khi đề cập đến câu chuyện “thiên vị tiêu cực”. Anh nói rằng, một người thầy cả đời tận tụy với bao thế hệ trò nhỏ, vẫn hoàn toàn vô danh, không có cơ may nào được lên báo. Đang có hàng triệu người thầy người cô như thế khắp vùng núi non, hải đảo, mọi miền quê nghèo trên đất nước chúng ta. Nhưng chỉ với cái tát, ly nước giẻ lau, cú ra đòn hay ít khẩu phần bị bớt xén, là đình đám lập tức. Nhiệm vụ của người chiến sĩ công an cũng thế, những sự hi sinh, mất mát vẫn âm thầm để đổi lấy cuộc sống bình yên vẫn luôn luôn là công việc “bình thường”, nhưng vài hiện tượng cá biệt mãi lộ, nhũng nhiễu, vài hành vi thiếu chuẩn mực là cả lực lượng bị “ném đá”. Đó có phải là sự bất công?
Trong bài báo “Những kẻ rải đinh” đăng trên Báo Tiền phong, nhà báo Trần Tuấn chỉ ra xu hướng một phần bạn đọc hàng ngày chỉ ưa hóng chuyện xấu, hoặc chuyện “lạ” thiên về hướng chẳng mấy lành mạnh, tốt đẹp. Do xu hướng bẩm sinh của não bộ con người thường thích ứng hơn với những tin xấu, được gọi là “thiên vị tiêu cực”. Một bài viết đàng hoàng trên facebook, một bài báo chỉn chu đôi khi chẳng thu được mấy like, và ngược lại. Hình ảnh chiến sĩ công an dầm mình trong mưa lũ cứu giúp dân, lọt thỏm giữa dòng xe đặc đầy khói bụi để đảm bảo an toàn giao thông, ngất xỉu khi đưa dân ra khỏi đám cháy hay lây nhiễm bệnh nan y từ các đối tượng hình sự lại không được chia sẻ nhiều như những câu chuyện cá biệt về mãi lộ, vòi vĩnh.
Trung tá Trần Văn Dũng – Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Ninh Thuận bị một đối tượng ngáo đá tấn công khi tìm cách tước lại con dao mà người này đang cầm lăm lăm trên tay kèm theo ý định tự tử. Đó là một trong muôn vàn sự hi sinh, mất mát mà lực lượng công an phải đối mặt khi làm nhiệm vụ. Đó cũng là một trong muôn vàn hành động thể hiện truyền thống vẻ vang “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng CAND Việt Nam mà chúng ta cần thấu hiểu và sẻ chia.
CÔNG KHANH