Gần 1 tháng qua, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng và một số địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến các địa phương đã ngay lập tức kích hoạt giải pháp ứng phó.
Cả nước tái khởi động các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc” và quyết không cho đại dịch Covid-19 có cơ hội đe dọa, tấn công sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Riêng tại Đà Nẵng, từ 0 giờ ngày 28-7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội để khoanh vùng, dập dịch...
Dù tình hình dịch bệnh khá phức tạp, thế nhưng với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ được đưa ra, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, bên cạnh sự tấn công của dịch bệnh, điều đáng quan ngại hơn lại nằm ở một loại “dịch” khác, đó là dịch tin giả, tin đồn, tin gây hoang mang dư luận (mà thuật ngữ gọi là fake news) được dịp lan tràn trên các diễn đàn mạng xã hội, thậm chí lan truyền theo kiểu truyền thống là truyền miệng, tạo tâm lý bất an, lo lắng; gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; kích động rối loạn xã hội...
Đơn cử, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, ngoài các tờ báo chính thống đăng tải thông tin, các trang web tin tức trôi nổi cũng ngay lập tức vào cuộc. Thông tin đăng tải trên các trang này với nội dung được cắt xén, gây hiểu nhầm, giật tít gây sốc kiểu như “Thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28-7”. Thông tin này lập tức được các tài khoản mạng xã hội dẫn lại đường link, lan truyền, phát tán với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang trong xã hội với thông điệp sai lệch: cả nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như thời điểm nửa đầu tháng 4-2020.
Hay như việc sau khi có một số ca tử vong có liên quan Covid19, nhiều đối tượng đã so sánh với ca bệnh 91 (bệnh nhân người Anh, đã được chữa khỏi), từ đó đặt câu hỏi về “mức độ quan tâm” chữa trị giữa người trong nước và nước ngoài. Mục đích hòng đánh tráo sự thật, cho rằng ca bệnh khó như 91 còn chữa được, tại sao lại để một số ca bệnh trong nước tử vong. Đây là kiểu so sánh rất khập khiễng, đánh vào tâm lý người đọc, nếu thiếu tỉnh táo sẽ bị dẫn dắt theo ý đồ chống phá của kẻ xấu. Thực tế, việc so sánh như vậy là kiểu quy chụp rất lố bịch. Ngay cả những người không giỏi về y học cũng hiểu rằng, phi công người Anh chỉ mới 43 tuổi, bệnh lý nền là béo phì. Là phi công nên trước đó được rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, thể trạng tốt hơn rất nhiều, do đó khả năng hồi phục cao hơn. Trong khi đó, các bệnh nhân tử vong vừa qua đều cao tuổi, bệnh lý nền là đái tháo đường, suy thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim diễn tiến nặng...
Thực ra việc “lập lờ đánh lận con đen” kiểu như đã nói ở trên đã diễn ra, thậm chí phổ biến trong thời gian dài. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng đó là dẫn lại nội dung của các tờ báo chính thống về vấn đề nào đó. Sau đó sẽ dùng thủ thuật thêm bớt, cắt xén nội dung, rút tít gây hiểu lầm, hiểu không đầy đủ, thậm chí lập luận nhằm “đánh tráo khái niệm” về sự kiện, câu chuyện, nhân vật.
Để “dịch” tin giả không còn đất sống, đòi hỏi người dùng mạng xã hội, người tiếp nhận thông tin cần phải có đủ bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị chức năng nhằm chặn đứng các trang thông tin trôi nổi là điều cần thiết, việc xử lý người lan truyền thông tin thất thiệt cần mạnh tay, không thể để kiểu vì “thiếu hiểu biết” mà nương nhẹ, hoặc xử lý chiếu lệ. Chống dịch tin giả, tin thất thiệt, bịa đặt cũng là một mặt trận trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đừng để các thông tin không chính thống, trôi nổi chi phối cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà và cộng đồng theo hướng tiêu cực, đặc biệt không nên biến mình thành “con rối” để các đối tượng thù địch phản động điều khiển, hướng lái.
DOÃN HÙNG