Chưa đầy một tuần sau khi TT-Huế công bố khống chế được dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) thì tại địa bàn TX Hương Trà (TT-Huế) lại xuất hiện thêm 3 ổ dịch mới. Cùng với đó, lần đầu tiên loại dịch này lan đến Quảng Nam đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các ngành chức năng khi DTLCP đang có nguy cơ bùng phát mạnh tại miền Trung.

|
Kiểm tra, tiêu độc khử trùng lợn qua địa bàn TT -Huế. |
Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND TX Hương Trà cho biết, kết quả lấy mẫu xét nghiệm DTLCP tại một số hộ chăn nuôi của 3 địa phương là: Hương Chữ, Hương Văn và Hương Phong (TX Hương Trà) đều có kết quả dương tính với dịch bệnh. Tất cả 21 con lợn nhiễm bệnh của các hộ dân hiện đã được tiêu hủy, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Đồng thời, đã lập chốt chặn tại các khu vực có dịch. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số lợn chết bất thường cũng diễn ra tại 3 hộ nuôi ở P. Hương An và xã Hương Vinh (TX Hương Trà). Hiện, số lợn này đã được lấy mẫu đi xét nghiệm và đang chờ kết quả. Hộ ông Đặng Hóa ở P. Hương An nuôi 33 con lợn thì có 5 con chết không rõ nguyên nhân. Đến nay, đàn lợn này tiếp tục có 8 con bỏ ăn… Ông Lê Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TX Hương Trà cho biết, đa phần những hộ dân phát hiện lợn bị dịch đều nuôi lợn chủ yếu từ nguồn thức ăn thừa đi xin, điều này rất nguy hiểm vì không kiểm soát được nguồn bệnh. Thức ăn dù được nấu chín nhưng các dụng cụ xô chậu chứa không được vệ sinh, khử trùng là nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, tính đến ngày 19-5 chính quyền và ngành chức năng H. Duy Xuyên (Quảng Nam) đã tiến hành tiêu hủy 43 con lợn mắc DTLCP, trong đó riêng địa bàn xã Duy Hải là 35 con. Trước đó, chính quyền địa phương nhận được tin tại hộ bà Trần Thị Trở ở thôn Tây Sơn Đông có 4 con lợn bị nhiễm bệnh với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng... Sau khi kiểm tra lâm sàng, phát hiện 1/4 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus gây bệnh DTLCP. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng đã tiêu hủy khẩn cấp cả 4 con lợn của gia đình bà Trần Thị Trở. Chưa dừng lại, sau khi tiêu hủy số lợn bệnh này thì lại xuất hiện thêm 15 con của 4 hộ dân khác là Nguyễn Xuân Cát, Lê Dưa, Lâm Văn Tám ở thôn Tây Sơn Đông và Đỗ Văn Phải ở thôn Thuận Trì (xã Duy Hải) bị nhiễm bệnh chết. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng khẩn trương huy động nhân lực và phương tiện tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn bị bệnh.
Có nguy cơ bùng phát mạnh
Theo một số người dân, số lợn chết được một số hộ dân lén lút vứt bừa bãi nên nguy cơ lây lan rất dễ xảy ra . Tại P. Hương An (TT - Huế), ngoài số lượng lợn chết nói trên, những ngày qua, ghi nhận có tình trạng lợn chết bị người dân thả trôi sông, dọc đường tránh Huế. Theo ông Lê Hoài Nam, phương án tốt nhất là chôn ngay trong vườn nhà (nếu vườn rộng, số lợn ít), tránh vận chuyển đi xa. Nếu phải vận chuyển, yêu cầu chính quyền địa phương dùng bao nilon bao kín, dùng bạt lót và để tránh lây lan, phun thuốc tiêu độc khử trùng lợn và khu vực chôn lấp, vùng phụ cận. Đồng thời, phải cử lực lượng giám sát dọc đường. Tại Quảng Nam, theo các ngành chức năng, nguyên nhân của việc bùng nổ dịch bệnh có khả năng là do xã Duy Hải, Duy Nghĩa nằm trong khu vực tập trung đông đảo công nhân miền Bắc vào xây dựng cho các dự án ở Nam Hội An. Những người này mang thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo ở quê vào sử dụng, trong số đó có sản phẩm nhiễm mầm bệnh virus DTLCP.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên thông tin, hai ngày qua chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích gồm Công an, quân sự, dân quân… thiết lập 2 điểm chốt chặn tại khu vực các ngã 4 để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn. Ngoài ra còn thành lập một tổ chuyên trách việc rải vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêu hủy nhanh khi phát sinh lợn mắc bệnh. Hiện nay 52 lít hóa chất Benkocid và một tấn vôi bột đang được gấp rút triển khai vệ sinh, sát trùng trên phạm vi rộng. Ngoài ra, UBND H. Duy Xuyên cũng yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ phải có dấu kiểm dịch trước khi đưa thịt lợn ra thị trường tiêu thụ; nghiêm cấm không cho vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài và ngược lại.
Sau khi nhận được thông tin DTLCP bùng phát trở lại, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã đến hiện trường kiểm tra, đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn bị nhiễm bệnh và nghi bị nhiễm bệnh. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch hàng ngày và tiêu độc các phương tiện vận chuyển, con người ra vào khu vực có dịch. Đồng thời thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt vùng có dịch. Đặc biệt, phải tiến hành triển khai ngay công tác tổng rà soát tình hình đàn lợn trên địa bàn phường và các địa phương khác trên địa bàn thị xã.
Song song với công tác triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục với nhiều hình thức khác nhau để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTLCP. Đồng thời, chú trọng nâng cao tinh thần tự giác của mỗi hộ chăn nuôi, đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc cam kết 5 không: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt…
Hà Dung - H.LAN