(Cadn.com.vn) - Thoạt nhìn, tòa nhà sơn màu đỏ và trắng trông giống nhà nghỉ công cộng yên tĩnh tại Hajipur, thị trấn đang phát triển nhộn nhịp ở phía bắc bang Bihar, Ấn Độ.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại, đây là bệnh viện Aastha, do vợ chồng bác sĩ Atul Varma, người đã rời bỏ công việc hấp dẫn để lập cơ sở điều trị chất lượng với giá cả phải chăng, điều hành. Bác sĩ phẫu thuật Atul Varma, và vợ là bác sĩ nhãn khoa Jayashree Shekhar, đã thay đổi nhận định vốn quá phổ biến rằng, “bạn không thể được chăm sóc sức khỏe tốt ở Ấn Độ, trừ khi bạn là người giàu có”.
 |
Vợ chồng bác sĩ Atul Varma và Jayashree Shekhar xây dựng bệnh viện giá rẻ cho người nghèo. Ảnh: BBC |
Hỗn loạn chăm sóc y tế
Ấn Độ chỉ dành một phần ít ỏi 1% GDP cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Với mức 69% tổng chi tiêu của hộ gia đình, chi tiêu cho sức khỏe tại Ấn Độ nằm trong số những nước cao nhất thế giới. Hàng triệu người Ấn Độ bị phá sản khi gặp phải vấn đề về sức khỏe. Dù nhà nước cung cấp điều trị miễn phí, chỉ có 22% người dân nông thôn, và 19% người dân thành phố được tiếp cận các cơ sở điều trị do chính phủ điều hành.
Ở Bihar, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Hệ thống y tế công cộng đang trong tình trạng hỗn độn mặc dù bang có khoảng 800 bệnh viện công và các trung tâm sức khỏe, và khoảng 2.000 nhà dưỡng lão hoặc phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có 1 bác sĩ điều trị cho 18.000 bệnh nhân, khiến các bác sĩ làm việc quá sức và bệnh nhân không được quan tâm. Thủ tục hoàn trả tiền bảo hiểm y tế cho người rất nghèo rất rắc rối. Thông thường, họ phải trả khoản tiền lót tay. Ước tính, 2/3 trong số các loại thuốc trên thị trường là giả mạo.
7 năm trước, vợ chồng bác sĩ Atul Varma trở về quê hương sau khi làm việc ở nước ngoài và ở các bang khác tại Ấn Độ. Bác sĩ Varma từng làm việc tại bệnh viện nhà nước, trước khi quyết định thành lập bệnh viện riêng. “Tại bệnh viện công lớn nhất của Ấn Độ ở New Delhi, tôi thấy bệnh nhân từ Bihar chờ đợi được nhập viện trong vô vọng. Chúng tôi không có cách nào khác bởi không có đủ giường. Điều đó khiến tôi suy nghĩ cần phải làm gì đó khi trở về quê hương”, bác sĩ Varma cho biết.
Cặp vợ chồng bác sĩ vay tiền ngân hàng để mua một trường học cũ đã xuống cấp và sửa nó thành bệnh viện 12 giường. Bệnh viện gồm một phòng tư vấn rộng rãi, một phòng mổ sạch sẽ và đầy đủ chức năng, hệ thống dây điện chống cháy, cửa hàng thuốc, hệ thống thông gió để giữ cho bệnh viện thoáng mát trong mùa hè.
Không bỏ cuộc
Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ Verma thực hiện phẫu thuật nội soi và phẫu thuật tổng quát cho các bệnh nhân. Bệnh viện thu phí 200 rupee (3,18 USD) cho việc tư vấn, và 8.000-12.000 rupee (127- 191 USD) cho một ca phẫu thuật. Đây là mức phí rất thấp so với 500 bệnh viện khác ở Hajipur. Hai nhân viên tư vấn nói chuyện với các bệnh nhân và “giáo dục” họ về bệnh tật.
Bệnh viện Aashtha điều trị cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, cung cấp dịch vụ chữa bệnh giá rẻ cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, họ gặp phải rất nhiều khó khăn. Nước và điện thường xuyên bị cắt. Mỗi ngày, họ phải mất hơn 90 phút đi từ nhà đến bệnh viện do ùn tắc giao thông. “Đôi khi tôi rất mệt khi đến bệnh viện và không đủ sức để khám bệnh”, bác sĩ Varma cho biết.
Nhưng vợ chồng ông không có ý định từ bỏ. Họ lên kế hoạch mở rộng bệnh viện và xây thêm một tầng để bác sĩ Jayashree khám bệnh tại đây. Trong kế hoạch táo bạo hơn, họ đang tìm cách mua khu đất hoang 3.716m2 với mức giá được chính phủ trợ cấp từ để xây bệnh viện 100 giường dành cho người nghèo. Kế hoạch này đã có từ 3 năm trước và họ vẫn đang chờ đợi.
An Bình
(Theo BBC)