(Cadn.com.vn) - Trước thềm năm học mới, câu chuyện nghe được trong chuyến đi vào Quảng Ngãi mới đây do một người bạn thời đại học kể lại khiến tôi giật mình thảng thốt! Tự hỏi, liệu những người làm trong ngành giáo dục, người lớn và xã hội có cho đây là trường hợp ngoại lệ, hay là mảng khuất giới học đường cần tiếp cận để tìm hướng giải quyết?
1. Con trai bạn tôi học tại một trường tiểu học thuộc TP Quảng Ngãi. Cậu bé có gương mặt đáng yêu. Chỉ có điều, trên gương mặt cháu có vài vết bớt đen bẩm sinh. Vì điều này, cháu không có lấy một người bạn ở lớp. Ngược lại, anh trai cậu bé (năm nay lên THCS) lại có rất nhiều bạn. Thấy con khát khao được có bạn đến nhà chơi như anh trai, bạn tôi âu lo, cất công tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, ngoài gương mặt bị bớt đen, cậu bé bị bạn bè "tẩy chay" vì được cho là… con nhà nghèo!
Trong mắt bọn trẻ, việc cậu bé đi học không mang theo tiền để ăn quà vặt, không có cha mẹ đưa đón bằng ô-tô, xe máy xịn… là con nhà nghèo. Dù thực tế, gia đình cậu bé không hề nghèo chút nào! Bạn tôi có quan điểm không cho tiền con trẻ, vì sợ cháu ăn quà vặt trước cổng trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do công việc khá bận rộn, nên việc đưa đón cháu đi học được bạn tôi giao cho cô giúp việc…
Chưa kịp tìm hướng giải quyết vấn đề trên, bạn tôi lại "điếng người" khi hay tin con mình bị tình nghi là… trộm cắp. Tức tốc đến trường tìm hiểu sự tình thì vỡ lẽ, do hàng ngày không thấy cháu có tiền ăn quà vặt nên khi phát hiện cháu có nhiều tấm hình dùng để chơi tán lon, tán mạng thì bị một số bạn trong lớp nghi là trộm tiền ai đó để mua hình. Thực tế, những tấm hình đó là do anh trai chơi tán lon giỏi, ăn được rồi cho cậu bé. Để minh oan cho con trai, bạn tôi xin phép cô giáo dẫn anh trai cậu bé vào lớp để nói cho các bạn trong lớp biết. Đến lúc đó, cậu bé mới được minh oan!
Sau những chuyện đã xảy ra, bạn tôi quyết định không để chị giúp việc đưa đón con đến trường nữa mà đích thân đưa đi. Ngày đầu tiên khi con trai thông báo sẽ đưa một người bạn trong lớp về nhà chơi, bạn tôi đã làm bữa tiệc nhỏ đón chào! Khỏi phải nói, thằng bé vui sướng, hạnh phúc như thế nào khi lần đầu tiên có bạn cùng lớp đến nhà chơi. Lâu nay, cháu toàn chơi "ké" bạn của anh trai. Thậm chí, trước đó, để con không mặc cảm về chuyện không có bạn, bạn tôi phải nhờ những người bạn của mình làm lễ kết bạn với cháu. Mùa hè năm nay, bạn tôi quyết định đưa cháu vào TPHCM để "bắn" những bớt đen trên mặt, với hy vọng năm học mới con sẽ có thêm nhiều bạn!
Kể xong câu chuyện, cả người nghe lẫn người kể đều ứa nước mắt!
 |
Trẻ em như búp trên cành, cần được quan tâm, yêu thương, chăm sóc và giáo dục đúng cách (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T |
2. Chưa dừng lại ở đó, một lần, bạn tôi phát hiện cậu con trai lớn (vào thời điểm đó vẫn đang học tiểu học) bỗng dưng có một chiếc ĐTDĐ khá xịn. Chất vấn "ở đâu mà có" thì được cháu giải thích, chiếc ĐTDĐ này do một bạn con nhà giàu trong lớp tặng cho! Cậu bé còn cho biết thêm, không chỉ mình cháu mà nhiều bạn chơi trong nhóm cũng được tặng một chiếc ĐTDĐ như thế. Ngay lập tức, bạn tôi bảo con trai đem trả lại, đồng thời bí mật tìm hiểu. Và sự thật đã khiến bạn tôi kinh hãi. Số là, một học sinh (HS) khác trong nhóm phát hiện cậu HS con nhà giàu nọ xem "chuyện không được phép" trên mạng nên hù dọa rằng nếu không nói ba mẹ mua tặng ĐTDĐ cho cả nhóm thì sẽ mách người lớn. Sợ hãi, cậu HS con nhà giàu nọ về nhà đòi cha mẹ phải mua cho mình một số ĐTDĐ để tặng các bạn chơi trong nhóm. Vì gia đình có điều kiện, lại chiều con, bố mẹ cậu HS nọ đã thực hiện đúng theo nguyện vọng của con, không thắc mắc, nghi ngờ.
Bạn tôi đã liên hệ cho cha mẹ HS nọ để nói chuyện, đồng thời khuyên không nên chiều con theo kiểu "đòi gì được nấy".
3. Nghe xong 2 câu chuyện trên, tôi vừa xót xa, vừa giật mình về những mảng khuất giới học đường lâu nay ít đề cập đến. Trước đó, thi thoảng, tôi vẫn nghe đâu đó chuyện một nhóm HS trong lớp tìm cách "tẩy chay" một bạn nào đó vì những lý do hết sức... kỳ cục. Như chuyện một cô bé có đôi mắt mà người lớn nào nhìn vào cũng cho là rất đẹp, nhưng với bọn trẻ thì đó là đôi mắt... kỳ cục. Thế là xa lánh, không chơi. Hay như chuyện một cậu bé không may có những vết ghẻ ruồi trên chân cũng bị bạn bè chế giễu, chọc ghẹo đâm ra tự ti, mặc cảm…
Ban đầu, tôi cũng cho đó là chuyện trẻ con, thời nào cũng có. Bởi thời còn đi học, lớp tôi cũng vậy. Còn nhớ, năm học lớp 3, có một bạn nữ trong lớp học giỏi Văn, gương mặt rất xinh lại hiền lành, mắt lúc nào cũng buồn. Chẳng hiểu sao, bạn lại bị một bạn nam nghịch phá nhất lớp ghét cay ghét đắng. Nhiều lần bị bạn nam này đánh nên bạn nữ đó rất sợ đi một mình vào lớp, bao giờ cũng đi kè kè bên tôi. Biết được chuyện này, cô giáo cùng một số bạn trong lớp tìm cách can ngăn, hỏi nguyên nhân vì sao thì bạn nam đã giải thích rằng, vì bạn nữ ấy có gương mặt "rất tiểu thư, đáng ghét, không chơi được"! Sau khi được cô giáo và bạn bè khác trong lớp giải thích, bạn nam ấy mới hiểu ra, không còn đánh bạn gái ấy nữa.
Chuyện thích, không thích chơi với một ai đó, hay chuyện phân biệt con nhà giàu, con nhà nghèo ở học đường thời nào cũng có. Nhất là trong xã hội hiện nay, khi sự phân biệt giàu nghèo đang ngày càng có xu hướng thể hiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên, để dẫn đến việc lập bè nhóm, cao hơn là kỳ thị, tẩy chay…, thì thiển nghĩ không còn là chuyện nhỏ. Thực tế, đã có không ít đứa trẻ mặc cảm, tự ti tự co mình, không chịu tâm sự với ai, kể cả cha mẹ về những mảng khuất ở chốn học đường. Lớn lên, chúng luôn mang theo vết thương lòng thời đi học.
Thế nên, ngay khi còn nhỏ, trẻ em cần được người lớn giáo dục, gieo tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự sẻ chia với mọi người xung quanh, mà trước hết với bạn bè trong lớp học của mình. Cũng vì thế, xin đừng xem những mẩu chuyện trên là chuyện nhỏ giới học đường! Nó sẽ không còn nhỏ nếu thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn không tìm cách giải quyết đúng cách, hợp tình, hợp lý!
Phan Thủy