Hè vừa đến cũng là lúc nhiều phụ huynh "đau đầu" khi không biết làm thế nào để cân bằng giữa công việc với kỳ nghỉ của con. Nhu cầu tìm một nơi giữ trẻ an toàn trong những ngày hè chính là mối quan tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh. Với một địa phương có số lượng công nhân lớn như Quảng Nam thì bài toán gửi trẻ ở đâu trong dịp hè luôn là câu hỏi thường trực.

|
Học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức là một trong những sân chơi hiếm hoi cho học sinh trong dịp hè. |
Ngay khi vừa kết thúc năm học, chị Nguyễn Thị Xuân (27 tuổi, công nhân may tại Quế Sơn) đã gửi 2 con về nhà ngoại ở TP Huế. "Hai con của tôi một cháu học lớp 1, cháu lớp 3 nhưng là con trai nên rất quậy phá. Bình thường khi còn trong năm học vợ chồng tôi phải bắt internet tivi ở nhà để hai cháu đi học về xem hoạt hình trong lúc đợi vợ chồng tôi đi làm về, nếu không hai đứa chạy đi chơi ngoài đường rất nguy hiểm. Nay hè đến không thể bắt tụi nhỏ ở nhà xem tivi cả ngày nên đành gửi con về Huế cho ông bà ngoại trông. Đến đầu tháng 7 khi các lớp học hè bắt đầu hoạt động thì tôi đưa các cháu về học hè. Tuy nhớ con nhưng cũng đành chịu thôi".
Là công nhân may nhưng không phải ai cũng có nội ngoại để "nhờ vả" như chị Xuân. Tại các khu công nghiệp (KCN) rất nhiều công nhân phải tìm đến các điểm giữ trẻ tư thục để gửi con. Mặc dù học phí ở những điểm này cao so với tiền lương công nhân nhưng đây cũng là giải pháp duy nhất để họ có thể yên tâm đi làm. Nhu cầu tìm một nơi gửi trẻ an toàn trong những ngày hè cũng khiến nhiều dịch vụ trông trẻ, bán trú "được mùa".
Vào KCN Tam Thăng (TP Tam Kỳ) làm việc đã 3 năm, vợ chồng chị Nguyễn Mai Anh (24 tuổi, quê Hiệp Đức) phải luân phiên chia ca để có thời gian chăm sóc con gái 4 tuổi. Mặc dù đã vào hè nhưng chị vẫn cho con đi gửi ở nhóm trẻ gần nhà vì không nhờ được ai trông, cũng chẳng yên tâm để cháu ở nhà một mình với hàng xóm. Chị Anh cho biết, những năm trước, bé học mầm non ở trường tư nên không có khái niệm nghỉ hè và anh chị không phải lo lắng gì. Năm nay con đủ tuổi vào học mầm non công lập nên thời gian nghỉ kéo dài tới hai tháng. Không chỉ thế, hai bên nội ngoại đều ở xa, bà nội bận trông con nhỏ cho em gái, bà ngoại còn lo ruộng đồng nên vợ chồng anh chị chỉ có thể tự thân vận động. "Ở quê không có việc làm nên vợ chồng tôi mới phải đi làm xa, chịu cảnh ở trọ như thế này. Tôi chỉ hy vọng có được một ngôi trường chung cho con các công nhân ở KCN này. Lúc đó tôi và các anh chị em công nhân có thể gửi con tập trung, yên tâm tăng ca theo giờ giấc chứ không phải nhấp nhổm nhờ người đón con như lúc này".
Không chỉ riêng ở các KCN, lao động công nhân mới gặp cảnh khó khăn trong dịp hè mà cả những phụ huynh làm công chức, giờ giấc ổn định hơn vẫn phải tìm phương án là các trại hè, lớp học thêm để giữ trẻ ở nơi an toàn, coi như nhờ thầy cô giáo trông hộ. Có nhiều gia đình có điều kiện lại chọn các chương trình ngoại khóa như học kỳ trong quân đội, lớp kỹ năng hè... cho con tham gia. Chị Nguyễn Thị Hải - một cán bộ cơ quan nhà nước chia sẻ, từ cuối tháng 5 chị đã đăng ký cho con tham gia chương trình "Học kỳ quân đội" do tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức. Chị đăng ký cho con tham gia với hy vọng bé sẽ được trải nghiệm nhiều điều mới trong cuộc sống.

|
Nhiều phụ huynh phải gửi con ở các nhóm trẻ tư thục để yên tâm đi làm. |
Chị Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam cho biết: "Chương trình Học kỳ trong quân đội năm 2018 diễn ra từ ngày 2-6 tại Trung đoàn 885, thu hút sự tham gia của 111 học viên. Tham gia chương trình, các "chiến sĩ nhí" sẽ được học về điều lệnh đội ngũ quân đội, tư thế vận động chiến trường; tham gia các diễn đàn xây dựng ý thức và nhân cách; các hoạt động giao lưu văn nghệ, lửa trại; hoạt động thể thao; dân vũ; hành trình về các địa chỉ đỏ, trải nghiệm làm lính biển… đến những nội dung khơi gợi cảm xúc, viết nhật ký gửi gia đình, hay các hoạt động tình nguyện xã hội, giúp các chiến sỹ trẻ tương lai cảm nhận những giá trị của cuộc sống. Đây là hoạt động hè thường niên do Tỉnh đoàn tổ chức để giúp các em có mùa hè vui tươi, bổ ích, an toàn". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì mức học phí cho những trại hè như Học kỳ quân đội khá cao, vì vậy không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con tham gia, trải nghiệm. Phần đông trẻ đều phải tự tìm sân chơi hoặc được gửi đi học thêm tại nhà các thầy cô giáo trong dịp hè.
Mặc dù việc trông trẻ, gửi con ở đâu trong dịp hè tùy thuộc vào mỗi gia đình, nhưng chính vì thiếu sân chơi trong dịp hè đã tạo ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn như đi tắm sông, chơi game online, đá bóng dưới lòng lề đường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm… Việc học sinh tự ý rủ nhau đi tắm sông, hồ dẫn đến việc đuối nước đang là hiện trạng phổ biến ở nhiều địa phương mà Quảng Nam là một trong những địa phương có số lượng học sinh đuối nước dịp hè rất cao. Những trò chơi tự phát, những sân chơi không an toàn và những mối nguy hại từ các trò chơi đến nay vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Để giải bài toán sân chơi cho thiếu nhi vào dịp hè không thể chỉ có tổ chức Đoàn, Đội mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội, để mùa hè đến sẽ không còn là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh.
ĐỒNG DAO