- Người ta chỉ muốn đẹp chứ ai lại bỏ tiền đi làm xấu rứa Tư Y tế?
- Khổ nỗi, bây giờ cơ sở thẩm mỹ nhan nhản, "vàng thau" lẫn lộn nên nhiều chị em bỏ tiền làm đẹp, cuối cùng lại xấu hơn.
- Có cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép nữa à?
- Ừ, ở Đà Nẵng chỉ có 29 cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hoạt động, còn lại khoảng 500 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ. Loại này có phạm vi hoạt động không gói gọn là dịch vụ thẩm mỹ như chăm sóc da, spa, phun xăm thẩm mỹ... Chưa kể, một số cơ sở còn "biến tướng", "nâng cấp" và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ vượt quá phạm vi, năng lực cho phép như tiêm filler nâng mũi, ngực, mông, tạo má lúm đồng tiền, truyền trắng, tan mỡ, tiêm botox tái tạo da, phẫu thuật tạo hình...
- Bề Tui cứ thắc mắc, sao lại có loại cơ sở hoạt động thẩm mỹ mà không cần giấy phép, điều kiện của y tế? Làm sao để quản lý?
- Tư ví dụ nhé, chẳng hạn dịch vụ tắm hơi, massage, tắm trắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình...) chung một nhóm ngành. Tương tự cắt tóc, gội đầu, ép tóc đi với phun thêu thẩm mỹ chân mày, mắt môi, làm móng, trang điểm... Các mã ngành đăng ký kinh doanh này gây khó khăn cho việc thống kê, quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Theo quy định, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động không cần cấp phép của Sở Y tế mà chỉ thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng đủ điều kiện nên Sở Y tế không thể quản lý như các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
- Đúng là khó quản, vậy mới có việc chỉ khi nào xảy ra sự cố người đi làm đẹp bị biến chứng thành... xấu thì ngành y tế mới biết, xử lý?
- Tư cho rằng, việc quan trọng vẫn là xử thật nghiêm các cơ sở thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo, thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ vượt năng lực. Giữa một "rừng" cơ sở thẩm mỹ có phép và không phép của Sở Y tế đan xen nhau, mà cơ sở nào cũng quảng cáo rầm rộ, thực hiện kỹ thuật siêu đẳng, chỉ "một bước là lên tiên" thì rất khó để khách hàng phân biệt. Và rồi việc bỏ tiền làm... xấu vẫn cứ diễn ra.
- Thật đáng lo, đáng lo!
BỀ TUI