Sáng 21-10, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Hòa Bình đã làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về công tác phòng chống tham nhũng.
Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2017 và 6 tháng năm 2018. Cụ thể, tỉnh đã xử lý trách nhiệm 1 người đứng đầu tại đơn vị, xử lý kỷ luật 33 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; chỉ đạo xử lý 3 vụ việc, 3 vụ án theo kiến nghị của Đoàn công tác số 6. Đến nay Quảng Ngãi đã xử lý xong 5 vụ, còn 1 vụ đang xem xét, xử lý. Tỉnh đã phát hiện 3 vụ có dấu hiệu tham nhũng về kinh tế; chưa phát hiện hành vi tham nhũng về sai phạm về kinh tế qua hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan dân cử và xã hội; chưa phát hiện hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc liên quan đến các cơ quan nhà nước. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Có 12 vụ án với 26 bị can bị khởi tố, điều tra về tội danh tham nhũng, kinh tế. Kết quả, đã thu hồi 9,1 tỷ đồng trên tổng số 16,9 tỷ đồng tài sản tham nhũng. Về thi hành phần dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tỉnh đã thu hồi 1,1 tỷ đồng/234,9 tỷ đồng...
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Hòa Bình đánh giá Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra; đã chỉ đạo quyết liệt, toàn diện các chương trình công tác về phòng chống tham nhũng. Tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát, đóng góp cho công cuộc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: Vấn đề về tố tụng chưa xử lý tốt; việc giải quyết các vụ việc còn chậm, kéo dài, có những vụ chưa triệt để, chưa nghiêm; tỷ lệ không khởi tố, đình chỉ còn cao...
Ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi, từ những tồn tại, hạn chế tỉnh cần tập trung khắc phục; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật tạo sự đồng thuận toàn dân về phòng chống tham nhũng; công khai những kết quả xử lý tham ô, tham nhũng. Cùng với đó, tỉnh phải tiếp tục hoàn thiện các quy định như trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, nêu gương, miễn nhiệm đối với cán bộ có vi phạm, xử lý người đứng đầu đối với những cơ quan để xảy ra tham nhũng; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm sao để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý, xét xử đối với những vụ việc liên quan đến tham nhũng. Những vụ án còn dang dở thì phải rà soát, xử lý quyết liệt, dứt điểm...
* Trước đó, ngày 20-10, tại thành phố Quy Nhơn, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn đã thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bình Định. Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết: Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 1-2017 đến tháng 6-2018, qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng, tham ô tài sản, kinh tế; khởi tố 13 vụ án với 16 bị can; qua 147 cuộc thanh tra hành chính tại 239 đơn vị đã phát hiện 96 đơn vị có sai phạm, trong đó sai phạm về kinh tế là hơn 19 tỷ đồng và 161 ha đất; kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,5 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán 11 tỷ đồng; thu hồi 156 ha đất; kiểm điểm trách nhiệm 21 tổ chức và 62 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 6 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định kiểm tra lại 5 vụ tạm đình chỉ và 7 vụ không khởi tố; báo cáo kết quả kiểm tra cho Thường trực Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương. Tỉnh ủy Bình Định cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng, đặc biệt là việc thực hiện quy định về nêu gương, của cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện quy định này được xem như một cam kết chính trị với toàn Đảng, toàn dân về quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Đây là một nội dung hết sức thiết thực, cụ thể trong chỉnh đốn Đảng; chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên. Trong công tác đấu tranh chống tham nhũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có điều kiện giám sát việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên.
N.L