Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý của người dân, một số kẻ đã đứng ra cho vay kiểu “tín dụng đen” với lời lẽ cho rằng “giúp” người dân. Thế nhưng, khi đã “dính” vào kiểu vay mượn này, người dân chỉ biết còng lưng trả “lãi mẹ, lãi con” chứ chưa nói ngày trả hết nợ. Thực trạng đó đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Gia Lai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu về ANTT nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

|
Chị Nay HChuôn cho biết cả gia đình đi làm thuê nhiều năm nay để trả nợ nhưng tiền gốc cộng tiền lãi cứ tăng thêm. |
V ay nhưng chưa biết bao giờ trả hết
Nằm ở phía đông nam của tỉnh Gia Lai, Ia Pa là huyện còn khó khăn với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại huyện này đang có 52 đầu mối cho vay và 2.250 hộ đồng bào DTTS vay với số tiền khoảng 33 tỷ đồng, lãi suất 5%/tháng. Trong đó, có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Thế nhưng, khi đã trót ngửa tay cầm những đồng tiền từ “tín dụng đen”, cuộc sống của họ coi như đã rơi vào bi kịch.
Cách đây 6 năm, do mất mùa, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi vụ mới đang tới, vợ chồng anh Ksor Thun (thôn Ama HLăk, xã Chư Mố. H. Ia Pa, Gia Lai) quay quắt tìm vốn. Bấm bụng, vợ chồng đành tìm đến chủ nợ vay 40 triệu đồng với lãi suất 30.000 đồng/triệu/tháng để lo kịp mùa trồng mỳ bởi đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Trớ trêu, cũng từ đó đến nay, khoản vay trên trở thành nỗi ám ảnh của gia đình bởi vợ chồng “đầu tắt, mặt tối” từ làm rẫy, làm thuê nhưng hôm vẫn không đủ trả. Đến nay, số tiền gốc lẫn lãi vẫn còn hơn 43 triệu đồng. Anh Thun lý giải giọng buồn bã: “Mình tính nhé, năm nào thu hoạch về cũng phải trả lãi cho chủ nợ bằng mỳ (sắn). Giá mỳ ngoài thị trường có thời điểm 3.500 đồng/kg nhưng chủ nợ chỉ mua với giá 2.700 đồng/kg. Nếu không bán giá đó cho chủ nợ thì họ đòi lấy tiền gốc, mà mình có đủ tiền để trả hết đâu. Thế nên năm nào cũng phải nợ mà lãi năm này chồng sang năm khác. Mình chưa biết bao giờ mới trả hết nợ đây”.
Cũng ở trong thôn Ama HLăk, chị Nay HChuôn tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ trống hoác bởi không có gì giá trị ngoài chiếc giường đã cũ. Trong một lần túng thiếu, bố chị là ông Rmah Yi đã vay 60 triệu đồng với điều kiện khi thu hoạch mỳ phải bán cho họ để trả lãi. Và tất nhiên giá cũng thấp hơn giá thị trường. Chị HChuôn rầu rĩ: “Năm 2013, bố tôi bị tai nạn không còn khả năng lao động nên gia đình đành cho người khác thuê đất, còn cả nhà kéo nhau đi làm thuê để trả lãi hằng năm. Đến giờ này tiền gốc lẫn tiền lãi vẫn còn hơn 65 triệu đồng, biết lấy gì để trả đây”.
Ông Ksor Jú - Chủ tịch UBND xã Chư Mố, cho biết: chỉ tính riêng trên địa bàn xã có đến 370 hộ vay của các chủ nợ và số tiền lên đến khoảng 6 tỷ đồng, trong đó lãi suất trung bình là 3%/ tháng. Là xã còn khó khăn thì con số trên quá lớn đối với các hộ đồng bào DTTS. Trong khi đó, việc vay, mượn cực kỳ đơn giản, không cần thủ tục, giấy tờ rườm rà, chỉ vài chữ viết rồi lăn tay, ký nhận là được vay tiền. Còn tính trên địa bàn huyện, theo thống kê của các ngành chức năng có 52 hộ tư nhân cho vay. Trong đó, có 15 hộ cho vay bằng tiền mặt và hằng tháng thu lãi suất bằng tiền mặt, 15 hộ cho vay bằng tiền mặt cuối vụ lấy lãi suất bằng tiền mặt hoặc lấy nông sản quy ra tiền, 10 hộ cho vay bằng hàng hóa, phân bón, giống cây trồng và cuối mùa sẽ thu lãi bằng tiền hoặc nông sản...

|
Bà Nay HRoen buồn bã kể chuyện nợ nần. |
Bi kịch làm thuê trên đất của mình
Giáp ranh với H. Ia Pa, vùng đất Krông Pa (Gia Lai) cũng có gần 100 đầu mối cho vay với lãi suất 3-5%/tháng và số hộ đồng bào DTTS vướng vào vay mượn kiểu “tín dụng đen” cũng không hề nhỏ.
Tìm đến buôn Liết (xã Chư Đrăng, H. Krông Pa) mới thấy tận cùng bi kịch của việc vay “tín dụng đen” này. Giữa trưa nắng gắt, chúng tôi tìm đến căn chòi tạm của vợ chồng trẻ Ksor Tep - Nay HThoa (buôn Đúc, xã Chư Gu, H. Krông Pa). Nghỉ tay sau cả buổi làm, bữa cơm trưa của vợ chồng chỉ một nồi cơm, một chén muối ớt cay nồng và vài con cá khô bằng ngón tay. Cầm chai nước đục ngầu mời khách, HThoa ngượng nghịu: “Nước mình mới lấy từ suối về đó, anh uống tạm đi, không sao đâu”. Rồi HThoa kể về gia đình mình, dù “bắt” chồng được gần 2 năm nay nhưng vợ chồng đều trắng tay. “Theo phong tục, phải có đất, có bò mới “bắt” được chồng nhưng mình không có gì cả. May mà thằng chồng nó ưng mà cưới mình! Đến cả lễ cưới theo phong tục cũng đành “nợ” bà con, dân làng! Không đất sản xuất, nhà cũng chẳng có, vợ chồng mình đành ở tạm bợ nơi căn chòi đang làm thuê này”. Oái oăm thay, vợ chồng đang làm thuê trên chính mảnh đất mà bố mẹ HThoa đang gán cho chủ nợ.
Chuyện bắt nguồn từ việc ông, bà của HThoa vay phân bón trồng mỳ rồi đến nợ tiền cày đất, vay gạo ăn chờ đến mùa thu hoạch. Cứ thế, đến cuối vụ, thu hoạch được bao nhiêu mỳ thì chủ nợ trực sẵn để chở về hết nhưng mãi không trả được nợ. Tiền gốc cộng tiền lãi cứ thế tăng lên theo từng năm. Giờ này, ông bà của HThoa đã về với “thế giới Atâu” (cõi âm) nhưng số nợ vẫn còn đó. Món nợ truyền đời đó đến lượt bố mẹ HThoa phải tiếp tục trả nhưng cũng không hết đành gán 4ha đất cho chủ nợ và vợ chồng HThoa lại đi làm thuê trên chính mảnh đất này.
Cách đó không xa, bà Nay HRoen (mẹ của HThoa) cũng đang làm rẫy thuê. Bà kể, không rõ bố mẹ mình vay mượn từ khi nào nhưng cách đây 3 năm, chủ nợ thông báo món nợ cả gốc lẫn lãi lên đến 80 triệu đồng. Đây là con số quá lớn đối với gia đình. Quệt dòng mồ hôi đổ dài trên má, bà HRoen kể: “Cứ mỗi vụ thu hoạch mỳ, chủ nợ cho người đến chở không chừa một bao nhưng không hiểu sao món nợ vẫn tăng lên đến chừng ấy. Bị thu hết mỳ không có tiền thì phải lại đến tìm chủ nợ vay tiếp”.
Bà HRoen nhìn đứa con gái ứa nước mắt khi nghĩ đến cảnh món nợ truyền đời. Không còn khả năng trả nợ, bà đành chấp nhận gán mảnh đất 4ha cho chủ nợ trong vòng 10 năm rồi cả nhà đi làm thuê kiếm sống. “10 năm rồi cũng trôi qua! Sau đó giao đất cho con gái làm ăn, mong đời sống vợ chồng nó đỡ hơn mình” - bà HRoen chua xót.
(còn nữa)
M.Tân - M.Triều