Trong chuyến thực tế tìm hiểu về cuộc sống của những phu vàng tại H. Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ đang làm việc tại đây. Hầu hết các nữ phu vàng ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn, vì cuộc sống phải xa quê hương, mưu sinh với ước mong có tiền gửi về chăm lo cho gia đình.

|
Các nữ phu vàng đứng máy nghiền. |
Mùa này, cái nắng ở vùng núi cao Phước Sơn, nơi giáp với Tây Nguyên rất khắc nghiệt. Thế nhưng, trên những đồi núi, hằng ngày vẫn có hàng trăm phu vàng hì hục trong các mỏ vàng ở các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim, Phước Đức, Phước Hiệp… miệt mài làm việc cả ngày lẫn đêm. Có mặt tại một mỏ vàng ở xã Phước Thành, chúng tôi bắt gặp hàng chục nữ phu vàng đang làm việc tại đây. Công việc của các phu vàng được thực hiện theo một dây chuyền khép kín, mỗi người được giao những công việc nhất định, phù hợp với sức khỏe. Trong hầm dài hàng cây số với nhiều ngóc ngách, hàng chục lao động nam đang hì hục đào quặng. Khi đã đủ xe, họ báo hiệu cho người ngồi bên ngoài miệng hầm dùng tời kéo quặng ra. Trung bình cứ 10 phút một lượt.
Công việc của các nữ phu vàng có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng được chia thành từng công đoạn. Có những nhóm nữ xúc đá nhỏ đã được đập nát cho vào cối nghiền để xay. Trên mỗi máy nghiền có người dùng cào để cào cho đá chảy vào cối. “Đây là những công đoạn nhẹ nhàng. Mỗi máy nghiền sẽ có 2-3 người đảm nhiệm, 1 hoặc 2 người làm nhiệm vụ xúc đá đổ vào miệng máy, 1 người ngồi trên cào những viên đá vào máy để nghiền nát thành bột. Sau khi bị nghiền nát, bột đá sẽ theo dòng nước đặt trong chảy xuống máng, phía dưới có tấm thiếc phủ ngân đã chuẩn bị sẵn để bắt vàng. Ngoài ra, phần bột đá chảy qua máng ngân được gom lại để tiếp tục xử lý gọi là xái. Tại khu vực đống xái có một nhóm nữ phu vàng khác sẽ đảm nhận nhiệm vụ đãi xái, đây là công đoạn cuối cùng để lấy vàng” - anh N.V.T, một giám đốc phụ trách bãi vàng tại đây cho biết.
Ngồi trên máy nghiền đá là chị Lò Thị Nụ (45 tuổi, quê H. Kỳ Sơn, Nghệ An, dân tộc Khơ Mú). Chị làm việc ở đây đã được 4 năm. Gia đình chị có 3 người con, con gái lớn đã lấy chồng, còn 2 đứa nhỏ đang trong độ tuổi ăn học. Lúc trước vợ chồng chị làm nghề hái rau rừng, lá thuốc, đốn củi... bán lấy tiền trang trải cuộc sống nhưng luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, hoàn cảnh rất khó khăn. “Công việc ở quê cực nhọc nhưng tiền kiếm được không bao nhiêu. Có người bà con thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên đã giới thiệu vào đây làm việc. Tại đây, công việc của tôi chỉ ngồi trên chiếc máy này và đẩy những viên đá vào miệng máy nghiền. Từ ngày vào đây làm việc, tôi có tiền gửi về cho các con ăn học” - chị Nụ cười nói.

|
Các nữ phu vàng đãi xái để lấy vàng. |
Mặc dù đã có chồng và 2 đứa con nhỏ nhưng chị Châu Thị Ná (30 tuổi, quê Quảng Bình) vẫn quyết định xin vào đây làm vàng với ước muốn kiếm tiền để gửi về cho các con ăn học. “Xa chồng con tôi nhớ lắm chứ, nhưng cũng vì tương lai của các con, tôi muốn các con được học hành tử tế để sau này tìm một công việc tốt, không phải cực khổ như cha mẹ nó” - chị Ná tâm sự.
Trong các nữ phu vàng ở đây, bà Nguyễn Thị Lan (48 tuổi, trú xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) được xem là người có thâm niên trong nghề. Từ lúc mỏ vàng này được thành lập đến nay đã hơn 10 năm cũng là quãng thời gian bà Lan gắn bó với nơi này. Cùng chung cảnh ngộ với chị Nụ, chị Ná, bà Lan quyết định lên đây làm vàng để có nguồn thu nhập gửi về cho gia đình. Trước đây, gia đình bà Lan khó khăn, từ lúc đi làm vàng bà đã lo được cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, các con của bà đã có công ăn việc làm ổn định.
Do nhiều năm có kinh nghiệm làm vàng nên tại đây bà Lan được giao nhiệm vụ rất quan trọng, đó là đãi xái. “Xái được cho vào bồn, sau đó cho nước vào đãi, đồng thời dưới đáy bồn có một lớp ngân. Khi đãi, bột đá trôi ra vàng sẽ dính vào trong ngân. Đãi phải có kỹ thuật nếu không lớp ngân bay ra ngoài coi như mất vàng” - bà Lan chia sẻ công việc. Là người có kinh nghiệm, lại làm khâu quan trọng nên mức lương của bà Lan được xem là cao nhất trong các nữ phu vàng tại đây, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Bà Lan cho biết thêm, do nhà gần nên những lúc ở quê có đám tiệc thì bà xin về. Còn những người ở xa như chị Nụ, chị Ná… thì 1 năm chỉ về 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán, ăn Tết xong họ vào lại để làm. Tiền lương sẽ được Cty chuyển về nhà hay giữ lại chi trả vào cuối năm tùy theo yêu cầu của mỗi người.

|
P.V tác nghiệp tại mỏ vàng nơi các nữ phu vàng làm việc. |
Tại thời điểm chúng tôi đến, nơi đây có 15 máy nghiền đá đang hoạt động, theo đó có khoảng 25 nữ phu vàng đang làm việc. Trong số đó, những phụ nữ ngoài 30 chiếm phần lớn, còn lại gần 10 em chừng mười tám, đôi mươi. Qua trò chuyện được biết, phần lớn các nữ phu vàng là người Bắc miền Trung, chủ yếu ở Nghệ An và Quảng Bình, ngoài ra một số ít là người Quảng Nam. Điểm chung ở các nữ phu vàng là gia cảnh nghèo khó, đành phải xa gia đình đi làm ăn xa với ước muốn kiếm thêm nguồn thu nhập. Trong đó, đa phần là những phụ nữ đang có con nhỏ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Đình Hòe (50 tuổi, trú xã Bình Phục, H. Thăng Bình, Quảng Nam), là quản lý công nhân làm việc của mỏ vàng cho biết, hiện tại mỏ vàng này có 49 công nhân nữ đảm nhiệm các công việc tương đối nhẹ nhàng. 45 công nhân được chia theo ca làm việc tại các khâu quy định, 4 người còn lại phụ trách hậu cần. Cty rất chăm lo cho đời sống công nhân. Nam, nữ có chỗ ở và sinh hoạt riêng, các vật dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày đều được quan tâm, đáp ứng.
Ở mỏ vàng này, giờ giấc làm việc được chia làm 2 ca, mỗi ca 8 tiếng. Ca thứ nhất từ 7 giờ đến 17 giờ. Ca thứ hai từ 19 giờ đến 5 giờ hôm sau. Trong đó mỗi ca được 2 tiếng nghỉ giải lao, phụ thuộc vào lượng đá vận chuyển từ hầm ra. Tại đây, không khí làm việc khẩn trương.
(còn nữa)
Phóng sự: Trần Tân - Lê Vương