Những ngày qua, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Lê Nguyên Lan và bà Nguyễn Thị Bình ở xã Nam Kim, H. Nam Đàn, Nghệ An tấp nập người dân đến chúc mừng khi biết ông Lê Giang Nam (anh ruột ông Lan) tưởng đã hy sinh nay bỗng trở về sau 53 năm từ ngày lên đường đi bộ đội. Anh em ông Lan và những người thân trong gia đình ngỡ ngàng không tin rằng đây là cuộc hội ngộ có thật...

|
Ông Lê Nguyên Lan và Lê Giang Nam (phải). |
Trở về sau 53 năm nhập ngũ
Năm 1964, mới tròn 18 tuổi, khi chuẩn bị lên đường nhập ngũ thì mẹ qua đời nên Lê Giang Nam xin hoãn để ở nhà chịu tang mẹ. Một năm sau, Nam lên đường đi bộ đội, vào chiến trường Bình Trị Thiên. Chiến đấu trong "tọa độ lửa", nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Mậu thân năm 1968, Nam bị thương nặng rồi biệt tăm luôn. Sau trận đánh này, Nam được xác định là đã hy sinh vào ngày 31-10-1968 và đơn vị gửi giấy báo tử về cho gia đình vào ngày 30-1-1975. "Trong khi được điều trị tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, lợi dụng sơ hở của lính gác, tôi trốn ra ngoài nhưng không biết đơn vị ở đâu để quay lại. Tôi lưu lạc khắp nơi rồi dạt vào Bình Thuận. Tại đây, tôi được một gia đình cưu mang, sau đó lấy con gái của gia đình này làm vợ. Thời gian sau, vết thương ở đầu kéo gò má lệch, đầu đau nhức, một mắt kém nên tôi dần mất trí nhớ"-ông Lê Giang Nam nhớ lại.
Nhận được giấy báo tử của Lê Giang Nam, gia đình lập bàn thờ và nhiều lần đi tìm mộ nhưng không có kết quả. "Ngày anh Giang đi bộ đội, tôi mới 9 tuổi nên cũng không nhớ nhiều lắm chỉ nhớ hồi đó bố mẹ đã mất rồi, anh Nam đi rồi biệt tích đến khi gia đình nhận được giấy báo tử. Giờ được gặp lại anh trai khỏe mạnh, lành lặn thế này, đúng như một giấc mơ"-ông Lê Nguyên Lan (1957)-em trai ông Nam) chia sẻ.
Nhận được thông tin ông Nam trở về địa phương sau hơn 43 năm gia đình nhận giấy báo tử, chính quyền xã Nam Kim cùng phòng Lao động TB&XH H. Nam Đàn đã đến thăm hỏi và làm việc với gia đình ông Lan và xác minh thông tin. "Ông Nam kể trong một trận đánh vào năm 1968, ông ấy trúng pháo của địch nên bị thương rất nặng được đưa vào Đà Nẵng điều trị rồi tìm cách trốn khỏi bệnh viện và trôi dạt vào Bình Thuận. Hiện ông Nam đã 72 tuổi, sức khỏe giảm sút, phải đeo máy trợ thính. Ông Nam đã có 8 người con, 7 đứa cháu nội ngoại"-ông Đặng Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Kim cho biết. Bà Trần Thị Hoa, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH H. Nam Đàn chia sẻ: do bị thương nặng ở đầu nên ông Nam lúc nhớ lúc quên, đến khi gặp gỡ những người bạn cũ, ông bỗng nhớ lại mọi chuyện khá chính xác. Tại Bình Thuận, ông Nam được khai báo với cái tên khác là Nguyễn Mạnh Cường (1950, nguyên quán Đà Nẵng).
Tìm được người thân qua mạng xã hội
Thời gian chung sống với gia đình ở Bình Thuận, nhiều lần vợ con đã hỏi thăm quê quán của ông Nam nhưng do tuổi cao, trí nhớ chưa hồi phục, nên ông Nam không nhớ quê của mình ở đâu, chỉ nhớ mang máng tên quê có chữ "Sơn". Sau khi sức khỏe hồi phục hơn, ông Nam mới nhớ ra địa chỉ quê mình ở xã Nam Sơn, H. Nam Đàn, Nghệ An. "Lúc còn sống, mẹ tôi luôn mong muốn tìm lại quê cho bố nhưng do thời gian đó bố chưa nhớ ra quê mình nên đành chịu. Từ ngày mẹ mất, bố lủi thủi một mình nên anh em chúng tôi quyết tâm tìm lại gốc gác cho bố cũng là để còn có người thân đi lại. Tôi nói với bố là lúc nào nhớ bất cứ điều gì thì ghi vào giấy. Một thời gian sau, trí nhớ của bố dần hồi phục mới nhớ ra đúng địa chỉ quê mình"-anh Nguyễn Văn Vinh, con trai thứ 6 của ông Nam cho biết. Năm 2017, anh Vinh bắt đầu lên mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin tìm kiếm quê hương cho bố mình. Từ địa chỉ là thôn Đa Lộc, xã Nam Sơn, Nam Đàn, Nghệ An theo trí nhớ của bố, anh Vinh đã hỏi bạn bè và người quen nhưng không ai biết đây là xã nào vì không có tên trong địa giới hành chính. Sau đó, anh Vinh gửi Email về hòm thư của cổng thông tin điện tử H. Nam Đàn nhưng cũng không nhận được hồi âm...
Sau nhiều nỗ lực, anh Vinh có ý định về Nam Đàn, Nghệ An để hỏi thông tin nhưng do công việc bận quá nên chưa sắp xếp được. "Một lần tôi lên mạng thấy thông tin của các thành viên trong nhóm "Hội đồng hương Nam Đàn" chia sẻ là xã Nam Sơn và Nam Thắng đã gộp lại thành xã Nam Kim, H. Nam Đàn bây giờ. Từ đây, tôi mới xác định được đây là quê hương của bố mình. Ngoài ra, một sự trùng hợp nữa là có một người đăng tin tìm mộ liệt sỹ của bác Lê Giang Nam nên xin thông tin cá nhân để liên lạc. Qua điện thoại chúng tôi gặp nhau tại TPHCM, đây cũng chính là con trai chú Lê Nguyên Lan đi tìm bác. Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi đã xác nhận thông tin người liệt sỹ mà cháu trai đăng tin tìm mộ chính là bố tôi. Sau đó chúng tôi trở về Bình Thuận thì mới biết vợ của người em này lại sống gần nhà bố tôi"-anh Nguyễn Văn Vinh xúc động.
Ngay sau đó, bố con ông Nam cùng cháu ruột tức tốc về Nghệ An nhận người thân sau bao năm ly biệt vào ngày 22-3 trong niềm vui và những giọt nước mắt mừng tủi. Theo thông tin từ Phòng LĐ&TB-XH H. Nam Đàn, gia đình ông Nam có hai người được công nhận liệt sĩ là Lê Giang Nam và Lê Nguyên Bộ (1970), bà Nguyễn Thị Đức (mẹ ông Nam) là Mẹ VNAH. Tuy nhiên, thời gian qua, do trí nhớ không nhất quán nên ông Nam không được hưởng bất cứ chế độ gì.
D.Hóa