Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Nam, Quảng Đà là chiến trường trọng điểm ác liệt nhất của Khu 5. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nên những chiến công vang dội. Những hình ảnh chân thực và sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tái hiện trong tập sách "Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960-1975" được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản trên cơ sở lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của 14 tác giả là họa sĩ Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà như họa sĩ Giang Nguyên Thái, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thế Vinh...

|
Du kích xã Lộc Thuận học cách sử dụng lựu đạn-ảnh trang bìa tập sách "Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975". |
Trong hơn 300 tác phẩm, với các chất liệu màu nước, bút sắt, bút chì..., có gần 30 ký họa về vùng đất và con người H. Đại Lộc. Những ký họa đó đã góp phần làm nên bức tranh sinh động của vùng đất Quảng Nam"trung dũng kiên cường". Lần giở từng trang trong ký họa, chúng ta bắt gặp những hình ảnh rất đỗi bình dị từ sống đời thường của người dân hiền hòa chân chất, đó là ký họa của họa sĩ Giang Nguyên Thái về bác nông dân và bác thợ mộc xã Lộc Thuận (nay là xã Đại Thắng), hay ký họa cảnh sinh hoạt chợ Phú Thuận năm 1972. Những hình ảnh sinh hoạt mộc mạc của làng quê Đại Lộc trong những giây phút có thể nói là bình yên hiếm hoi trong bom đạn ác liệt.
Đó là ký họa về chân dung em Lơ, du kích xã Đại Đồng, em Hoa, du kích xã Đại Minh (họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh); em Tượng, du kích xã Lộc Thuận, anh em Hùng và Hinh, du kích xã Lộc Thuận (họa sĩ Giang Nguyên Thái)... toát lên vẻ hồn nhiên, ngây thơ nhưng thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng của tuổi trẻ. Những ký họa về du kích xã Lộc Thuận (Đại Thắng), xã Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng) đang trực chiến sẵn sàng chiến đấu; hay những phút giải lao của du kích xã Lộc Thuận... tái hiện bức tranh sinh động của quân và dân ta trong cuộc chiến ác liệt.
Chiếm phần lớn trong số ký họa về đất và người Đại Lộc là hình ảnh các mẹ, các chị, những người phụ nữ kiên trung của vùng đất Đại Lộc. Tiêu biểu là mẹ Hòa xã Đại Minh đã cùng nhiều bà con trong xã đấu tranh bỏ khu dồn Ái Nghĩa trở về làng cũ cuối năm 1972. Hay thím Thanh, thôn Giảng Hòa, chị Bảy A, xã Lộc Thuận hàng trăm lần đấu tranh chính trị với giặc. Rồi hình ảnh mẹ Tứ-mẹ du kích "trụ bám kiên cường"; các chị Đội phòng không H. Đại Lộc đang phục kích tàu gáo của Mỹ... thể hiện tinh thần cách mạng kiên trung của đội quân tóc dài "một tấc không, đi một li không rời", sẵn sàng đương đầu trước hòn tên, mũi đạn của kẻ thù.

|
Ký họa về trận đánh cầu Ông Nở H. Đại Lộc. |
Với người họa sĩ, mỗi bức ký họa là một kỷ niệm sâu sắc. Bởi nó không những gắn với tên đất, tên người mà còn ẩn chứa những câu chuyện khác nhau về con người, số phận, dấu ấn sâu sắc về một vùng, miền họ đã từng sống, chiến đấu. Trong cuốn ký họa, họa sĩ Giang Nguyên Thái đã ghi về những kỷ niệm sâu sắc đó: "Chiều ngày 29-01-1973, tôi về Giáng La (xã Điện Thọ) vẽ ở đầu cầu Cẩm Lý, ngay dưới chân Bồ Bồ trong ngày đầu tiên thực hiện ngừng bắn của Hiệp định Pari. Mới ghi chép được vài ba ký họa về đồng bào ta cắm cờ, giữ đất thì địch tráo trở phá hoại hiệp định. Xe lội nước vừa bắn vừa dí chúng tôi... Chúng tôi về Đại Lộc một buổi chiều gần tối. Đức Hạnh rất quen thuộc địa bàn, anh dẫn tôi băng đồng, lội nước ngập đến thắt lưng. Về đến chợ Phú Thuận thì trời đã tối mịt. Chợ họp từ buổi tối đến tận đêm khuya. Không ai được thắp sáng. Chỉ có ánh đèn pin quéo lấp loáng trên mặt đất. Đèn pin quéo đều phải bịt kín, chỉ cho một lỗ ánh sáng nhỏ xíu chiếu ra. Rất nhiều bộ đội, chiến sĩ đến mua hàng để chuyển lên căn cứ". Từ đó mà họa sĩ đã vẽ nên bức ký họa về cảnh sinh hoạt của người dân tại chợ Phú Thuận năm 1972. Trong ký họa cũng đã tái hiện một số chiến công vang dội của quân và dân H. Đại Lộc, như ký họa Chiến công cầu Ông Nở; Chiến dịch giải phóng Thượng Đức 8-1974, Ngã Ba Ái Nghĩa sau ngày giải phóng 29-3-1975... Chiến công cầu Ông Nở được nhân dân lưu truyền với câu ca: Lấy xã Mỹ xây cầu Ông Nở/ Cho Long - An nối lại Phú Bình.
Có thể nói Ký họa thời kháng chiến ở Quảng Nam đã góp phần tái hiện một cách sinh động, chân thực về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ quân và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà nói chung, H.Đại Lộc nói riêng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt, nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá và sinh động, qua đó góp phần giáo dục tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay.
LÊ NĂNG ĐÔNG