“Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944” là cuốn sách do Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch lại những bài viết quan trọng về Việt Nam từ năm 1941 đến 1944 của tuần báo minh họa Indochine viết bằng tiếng Pháp, thuộc Hội Alexandre de Rhodes, số đầu tiên ra ngày 12-9-1940. Sách dày gần 380 trang do Cty CPS Omega Việt Nam 2019 phối hợp cùng Nxb Thế giới xuất bản trong năm 2019.
 |
Cuốn sách “Việt Nam qua tuần san indochine 1941-1944”. |
Theo dịch giả Lưu Đình Tuân: “Indochine là một tờ báo đa diện và đa dạng với ưu thế gồm những tên tuổi lớn người Pháp và người Đông Dương lúc đó, có nhiều người là thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đưa lên mặt báo mọi vấn đề, chính trị cũng như nghệ thuật, kinh tế cũng như văn chương... Indochine đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm cũng như bình dân. Đó là nhờ sự súc tích và trong sáng của các bài viết... Vì vậy, dịch Indochine ra Việt ngữ là việc cần thiết, đặc biệt khi đó là những bài viết của một quá khứ vừa mới diễn ra mà nhiều người còn cảm nhận được, trước khi tất cả thành nhạt nhòa, tranh cãi”.
Sách gồm 47 bài viết được chọn lọc lại và sắp xếp theo bố cục thời gian, với nhiều đề tài đa dạng khác nhau được dư luận xã hội Việt Nam quan tâm. Từ tục nhuộm răng đen ở Đông Á và Đông Dương, Vấn đề trường học trong vùng người Thượng, Học trò trong xã hội An Nam cũ, Tục đa thê, Thuật phong thủy đến những ghi chép từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt...
Ở bài viết Đà Lạt của P.Munier (số 28, ngày 13-3-19410), chúng ta sẽ thật bất ngờ khi đọc lại những lời dự báo chừng rất sớm về thành phố nổi tiếng nên thơ này: “Nằm ở vị trí tuyệt vời, có khí hậu trong lành và ôn hòa, được hai đường bộ và một đường sắt chạy tới, liệu Đà Lạt có trở thành một trung tâm hành chính không? Đó là điều bí ẩn của Chúa. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì thật tai hại. Chuyện từng xảy ra trước tiên với Hà Nội. Hà Nội đã mất nhiều, tới đây Đà Lạt sẽ chật ních, ngổn ngang công trường xây dựng, xe hơi và người đông đúc, Đà Lạt sẽ mang dáng dấp của thành phố, sẽ mất đi điểm mạnh, mất đi chức năng ban đầu của nó: thành phố nghỉ dưỡng...”.
Bên cạnh những bài viết ghi chép lại sự phát triển của mọi lãnh vực trong đời sống thời bấy giờ, người đọc cũng thật thú vị khi bắt gặp những thông tin phản ảnh ở các bài viết như Hàng không Đông Dương (đăng trên số 53, ngày 5-9-1941): “Ngày 10-12-1910, lần đầu tiên một máy bay bay trên bầu trời Đông Dương. Đó là chiếc Farrman do phi công người Hà Lan Van den Born lái, địa điểm là Sài Gòn. Cuộc trình diễn bay này mở đầu cho Tuần lễ Hàng không ở Nam Kỳ”. Kế đến: “Theo sự dàn xếp của Khâm sứ Trung kỳ Charles, năm giờ chiều ngày 4-8-1913, tại cột cờ Ngọ môn, Huế, Marc Pourpe bay biểu diễn bên trên một cử tọa gồm 30.000 người, trong đó có vua Duy Tân. Và: “Tháng 7-1938, lần đầu tiên tại Đông Dương, hãng Air France thiết lập các đường bay nội địa thường xuyên dành cho dân chúng sử dụng máy bay loại Dewointine, khách bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mất khoảng chín giờ”.
Đặt câu hỏi: “Người Pháp có giúp đỡ Gia Long trong việc xây dựng không? Tác giả J.Y. Claeys trong bài viết Bảo tồn các công trình lịch sử ở Huế (số 169, ngày 25-11-1943) nêu rõ: “Những lục lọi kiên nhẫn kho văn khố do cố thân vương Võ Liêm thực hiện dường như cho thấy Gia Long đã xây kinh đô của mình mà không có sự giúp đỡ người nước ngoài. Nhưng có một điều chắc chắn là Gia Long, chúa rồi sau này là hoàng đế, đã học tập được nhiều kỹ thuật của phương Tây vì bạn của ông là Giám mục Bá Đa Lộc đã dịch cho ông nhiều tác phẩm kỹ thuật quân sự. Gia Long và các kỹ sư hiểu rất rõ các kỹ thuật này. Điều này đủ giải thích “dấu ấn Vauban” còn in lại ở nhiều thành và pháo đài An Nam vào thời kỳ đó”.
Đáng chú ý, trong bài viết Vấn đề Latinh hóa các ngôn ngữ Đông Dương (số 212, ngày 21-9-1944), tác giả George Coedès có đoạn: “Các dân tộc chấp nhận dùng chữ Latinh trong đời sống không hề từ bỏ di sản tinh thần của họ... Các dân tộc nhốt kín một cách có hệ thống sau Vạn lý trường thành một kiểu chữ viết phức tạp được gọi là chữ viết quốc gia (quốc ngữ), rõ ràng những người này phải đứng ngoài con đường tiến hóa tất yếu và sự hiểu biết lẫn nhau ở mức sâu sắc nhất. Vấn đề này đã được Viện Hợp tác Trí thức cho là khá quan trọng khi thực hiện một cuộc điều tra và đã được viết trong nhiều báo cáo, và tôi đề nghị tất cả những ai quan tâm nên đọc”.
Nhìn chung, hầu hết các bài viết được tuyển chọn từ tập sách Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 đều là những tài liệu quý hiếm, nằm trong một bối cảnh lịch sử nhất định, rất cần thiết cho bất cứ ai muốn nhìn lại thấu đáo chân dung Việt Nam của một giai đoạn. Ngay khi vừa ra mắt, tập sách đã thu hút đông đảo sự quan tâm của bạn đọc, nhiều buổi hội thảo được các nhà chuyên môn uy tín tổ chức giới thiệu, thảo luận, trao đổi về quá trình chuyển ngữ, vị trí của tuần san Indochine trong bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX.
TRẦN TRUNG SÁNG