Theo thống kê, tại Guinea Xích Đạo, hiện có 112/219 người lao động Việt bị nhiễm Covid-19. Trong số này, tại quê lúa Yên Thành (Nghệ An) có đến 30 người đang mắc kẹt ở quốc gia Tây Phi này. Những gia đình có chồng, con, em là lao động bị nhiễm Covid- 19 tại đây như đang ngồi trên đống lửa được “hạ nhiệt” khi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải có chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo hồi hương.
 |
Chị Phương mở đoạn video nói chuyện với chồng ở Guinea Xích Đạo. |
Có chồng nằm trong danh sách những lao động ở Guinea Xích Đạo bị nhiễm Covid-19, chị Hồ Thị Phương (1992, trú xã Lăng Thành) vỡ òa hạnh phúc khi nghe được chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ qua bản tin trên tivi. “Thế là chồng tôi và mọi người được về nước để điều trị rồi. Mừng quá đi mất”- chị Phương nói. Cuộc sống khó khăn, tháng 9-2019, anh Nguyễn Bá Du (1992, chồng chị Phương) cùng một số người thân quen sang Guinea Xích Đạo lao động. Công việc vất vả, việc kết nối về nhà cũng gặp khó khăn nên vợ chồng chị Phương ít chuyện trò cùng nhau. Khi dịch Covid-19 lan rộng ở Guinea Xích Đạo, anh Du gọi về báo tin không may bị nhiễm bệnh. Đường bay phong tỏa khiến chị Phương lo lắng đến suy sụp. Gia đình chỉ biết khuyên Du cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi để chống chọi với Covid-19.
Cũng có chồng đang kẹt ở Guinea Xích Đạo, chị Thái Thị Hải (1988) trải qua thời gian dài mất ăn, mất ngủ. Hay tin chồng bị sốt rét trong bối cảnh nơi lao động bùng phát dịch bệnh, chị từng nghĩ đến việc sẵn sàng vay mượn tiền bạc để đưa chồng về nước. Tuy nhiên, kinh tế không phải rào cản lớn nhất đối với gia đình. Các đường bay quốc tế bị phong tỏa nên việc chị Hải mong muốn chồng về quê chữa trị là không thể thực hiện. “Tối 10- 7, đang ăn cơm, thấy hàng xóm chạy sang thông báo việc Thủ tướng đã chỉ đạo đưa công dân Việt Nam mắc kẹt Guinea Xích Đạo về nước mà tôi mừng đến chảy nước mắt. Tối hôm đó, tôi nghe đi, nghe lại lời chỉ đạo của Thủ tướng không biết bao nhiêu lần. Cảm ơn Thủ tướng, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến công dân”- chị Hải nghẹn ngào.
 |
Chị Hải chỉ biết trông cậy vào việc Chính phủ sớm đưa chồng về nước chữa trị. |
Cùng ở H.Yên Thành, bà Trần Thị Thao đã có thời gian dài chẳng thiết ăn uống khi cả 3 đứa con đều bị nhiễm Covid-19 và mắc kẹt tại Guinea Xích Đạo. Người mẹ già lủi thủi đi ra, đi vào ngóng tin con mà lòng rối bời. Rồi bà vỡ òa cảm xúc khi báo chí nhắc đến việc Chính phủ quyết tâm đưa những lao động đang ở Tây Phi về nước. “Chỉ đạo của Thủ tướng như vậy, chúng tôi rất ấm lòng, an tâm. Khi nghe tin này, mẹ tôi đang ăn cơm, vui quá khóc nghẹn, chẳng ăn nổi nữa”- con dâu bà Thao kể.
Chưa biết chính xác ngày nào chuyến bay từ Guinea Xích Đạo hạ cánh và cũng không biết việc cách ly, điều trị sẽ kéo dài thêm bao lâu nhưng từ lúc biết về chỉ đạo của Thủ tướng, những người mẹ, người vợ như bà Thao, chị Phương trút được nỗi lo. Họ đùa nhau rằng sẽ mở tiệc thật to khi người thân được Chính phủ đưa về từ vùng dịch.
Khác với những gia đình có chồng, con đang ở Guinea Xích Đạo, các gia đình khác ở H.Yên Thành có chồng, con đang lao động ở Uzbekistan cũng đang rối bời cầu cứu các cơ quan chức năng địa phương. Chiều ngày 13-7, thông tin từ Phòng Lao động thương binh và xã hội H.Yên Thành cho biết, đơn vị đang tổng hợp các đơn kêu cứu của người dân về việc con em họ đang đi xuất khẩu lao động ở Uzbekistan và đang mắc kẹt ở vùng nghi có người mắc dịch Covid-19.
 |
Rất nhiều người mẹ, người vợ và con cái lo lắng cho người thân đang mắc kẹt ở nước ngoài vì dịch Covid-19. |
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (1993, trú xã Tây Thành) trình bày, chồng chị là anh Nguyễn Hữu Đồng (1988) ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty tư vấn nghề nghiệp CEC (trụ sở đóng ở Quận Long Biên, Hà Nội) sang làm việc tại Uzbekistan từ ngày 6-2-2020.Theo thông tin từ anh Đồng báo về cho gia đình, hiện nay anh đang ở công trình xây dựng cùng 226 người Việt Nam nhưng đã có một số người nhiễm Covid-19 với các biểu hiện ho, sốt, tức ngực... Tuy nhiên, bây giờ anh Đồng và nhóm công nhân không có cách nào để về nước được. “Gia đình tôi rất hoang mang và lo lắng cho sức khỏe của chồng tôi và mọi người. Qua đây chúng tôi mong muốn Nhà nước, cơ quan chức năng và đơn vị xuất khẩu lao động sớm có giải pháp đưa lao động về nước”- chị Tuyết nói.
Cũng giống gia đình chị Tuyết, gia đình chị Trần Thị Phượng (xã Tây Thành) cũng như đang ngồi trên đống lửa khi biết tin chồng là anh Nguyễn Đình Tám đang mắc kẹt trong vùng dịch Covid-19 ở Uzbekistan cùng hàng trăm lao động khác. “Chúng tôi có nguyện vọng sớm có chuyến bay đưa lao động đang mắc kẹt trở về nước để đảm bảo sức khỏe”- chị Phượng bày tỏ.
Được biết, chỉ tính riêng tại xã Tây Thành, đã có ít nhất 5 lá đơn kêu cứu của gia đình các lao động đang làm việc tại Uzbekistan.
X.S