(Cadn.com.vn) - Các nhà máy ở Hàng Châu, Trung Quốc đã đóng cửa từ ngày 1-9 khi nước này đang nỗ lực tạo cho mình một bộ mặt mới và sạch sẽ để chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
 |
Các nhà lãnh đạo G20 sẽ ưu tiên vấn đề chống biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc vào ngày 4 và 5-9 tới. Ảnh: AFP |
Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tạo cú hích cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi các nhà lãnh đạo nhóm G20 bắt đầu nhóm họp thượng đỉnh vào ngày 4-9 tới. Giới chuyên gia cho rằng, hai cường quốc này có khả năng sẽ cũng ra thông báo các thỏa thuận và nỗ lực hành động kiềm chế việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Thực tế rằng, với việc Trung Quốc - đang nỗ lực chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - lần đầu tiên trở thành chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, nhiều người hy vọng vấn đề trọng tâm này sẽ được bàn đến một cách mạnh mẽ nhất và đạt kết quả tốt nhất. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Mỹ Barack Obama củng cố hành động về chống biến đổi khí hậu khi ông vốn xem đây là một trong những di sản để đời trước khi rời Nhà Trắng.
Trung Quốc và Mỹ - hai ông lớn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất và cũng đóng góp lớn nhất cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đã thực hiện nỗ lực chính trị chung nhằm thúc đẩy vấn đề này kể từ năm 2014, khi họ thực hiện các mục tiêu chung theo Hiệp định Paris. Nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm hơn nửa lượng than đá sử dụng trên thế giới, và nhiều quốc gia G20 vẫn chưa ký kết thỏa thuận cắt giảm khí thải cần thiết để giữ nhiệt độ toàn cầu “dưới 2 độ C”.
“Vẫn còn là một chặng đường dài để đi, đặc biệt là cho G20, và họ cần phải phản ánh điều đó nghiêm túc hơn”, một chuyên gia tên Weischer nói với AFP. Li Shuo, chuyên gia về khí hậu và năng lượng thuộc tổ chức Greenpeace Đông Á, cho rằng, Trung Quốc cần cam kết mục tiêu cắt giảm carbon tham vọng hơn trong Hiệp định Paris khi nước này thực chất có thể bắt đầu giảm lượng khí thải vào năm 2020 thay vì năm 2030.
Các nước G20 “sản xuất” khoảng 80% phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị G20 năm nay nếu thành công có thể thúc đẩy Hiệp định Paris sớm có hiệu lực, có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Điều này đang ngày càng bức thiết khi thế giới tiếp tục phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt hơn. Cho đến nay, 23 quốc gia đã làm như vậy. 55 quốc gia vốn chiếm 58% khí phát thải cho biết sẽ thông qua Hiệp định Paris vào cuối năm nay. Các quốc gia như Brazil và Ukraine hiện đang trải qua các bước phê chuẩn ở trong nước.
Các nước G20 - đại diện cho 82% GDP thế giới - cũng đang đối mặt với áp lực thông báo thời hạn loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, động thái nhiều người chỉ trích gây ảnh hưởng lớn đến đầu tư vào năng lượng sạch và những nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài biến đổi khí hậu, những thách thức khác như nền kinh tế thế giới chậm lại, chủ nghĩa khủng bố gia tăng, khủng hoảng người tị nạn và bất ổn chính trị được cho là nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu. Giới chuyên gia nhận định, với vai trò là nước chủ nhà, Trung Quốc hy vọng né tránh thảo luận tại hội nghị về các vấn đề gây chia rẽ sâu sắc hiện nay liên quan đến những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông, biển Hoa Đông.
Thay vào đó, tại hội nghị lần này, Bắc Kinh muốn xây dựng hình ảnh là quốc gia lớn có trách nhiệm và tạo cơ hội “tìm cách giải thoát nước này khỏi chính cơn bão ngoại giao hiện tại do chính Bắc Kinh tạo ra”.
Khả Anh