Sức tàn phá của 105 tên lửa từ Mỹ và liên quân Anh, Pháp đã đổ xuống phía tây Syria vào rạng sáng 14-4 nhằm ngăn chặn cái mà các nước phương Tây cáo buộc Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tấn công bằng vũ khí hóa học (VKHH). “Nhiệm vụ đã hoàn thành”, theo đúng như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Nhưng vấn đề đặt ra là các hoạt động quân sự bị chỉ trích mạnh mẽ này đặt ra những câu hỏi mới về những gì sẽ xảy ra tiếp theo cho quốc gia Trung Đông vốn chìm trong chiến tranh hơn 7 năm qua.
Phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến ở Syria Ngày 15-4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực. “Chúng tôi cho rằng, mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của LHQ về cấm VKHH phải được triệt để tuân thủ”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ. Trước tình hình căng thẳng tại Syria những ngày gần đây, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao trước đó cũng khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Syria hoặc các khu vực lân cận (có thể bị ảnh hưởng) trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định trở lại để tránh những nguy hiểm, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. TTXVN |
Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại một lần nữa khiến thế giới bất ngờ và phẫn nộ, khi quyết định tấn công Syria, cùng với sự trợ giúp của liên quân Anh, Pháp.
Theo đúng nghĩa đen, quyết định dội bom Syria không quá bất ngờ bởi ông Trump nhiều lần cảnh báo sẽ tấn công nhằm đáp trả cái mà Washington gọi là vụ tấn công VKHH của chính phủ Syria nhằm vào dân thường ở thị trấn Douma, Đông Ghouta. Tuy nhiên, tính chất bất ngờ nằm ở chỗ, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định vội vàng và bất chấp những cảnh báo từ nhiều phía về nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Syria và đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào họng súng chiến tranh.

|
Một binh sĩ Syria kiểm tra đống đổ nát của một tòa nhà bị trúng bom trong cuộc không kích của Mỹ và liên quân Anh, Pháp. Ảnh: AFP |
Lối mòn
Tổng thống Trump và các đồng minh Anh, Pháp ca ngợi các cuộc không kích nhằm vào chính quyền Syria. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết: “Một cuộc tấn công diễn ra thật hoàn hảo. Cảm ơn Pháp và Anh vì sự hiểu biết và sức mạnh quân sự của họ. Không thể có một kết quả tốt hơn. Nhiệm vụ đã hoàn thành!”. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo, nếu Syria lại sử dụng khí độc, Mỹ sẽ lại “ngăn chặn và bắt phải trả giá”.
Cái cớ mà Tổng thống Trump viện vào đó để không kích Syria là đã quá rõ ràng. Nhưng nó không có gì mới. Ngay mới đây thôi, vào năm 2017, nhà lãnh đạo Mỹ cũng vin vào cáo buộc tương tự để dội bom vào các căn cứ của quân đội chính phủ Syria. Và vũ khí chiến lược mà Lầu Năm Góc sử dụng trong cả lần tác chiến này không gì khác ngoài tên lửa hành trình Tomahawk. Có khác chăng là việc Mỹ sử dụng số lượng vũ khí gấp đôi so với cuộc tấn công Syria năm 2017. Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc sử dụng nhiều máy bay và tàu chiến trong chiến dịch tấn công Syria lần này, trong đó có các máy bay ném bom B-1. Và lần này, Mỹ còn có thêm sự giúp sức của liên quân Anh, Pháp. 105 tên lửa từ Mỹ và liên quân Anh, Pháp đã đổ xuống phía tây Syria vào rạng sáng 14-4.
“Nhiệm vụ đã hoàn thành” theo đúng như tuyên bố của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc tấn công lần này không mang lại hiệu quả lớn như ông Trump mong đợi. Trong khi Lầu Năm Góc cho biết, chiến dịch chung của Mỹ -Anh-Pháp đã đánh trúng mọi mục tiêu, Nga nhấn mạnh, hàng chục tên lửa đã bị đánh chặn. Thậm chí, giới phân tích cho rằng, các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân cũng khó có thể gây tác động tương quan lực lượng trên chính trường Syria hiện nay trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria đang từng bước giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước.
Mục tiêu thật sự của Mỹ
Trong chiến dịch lần này, Mỹ và liên quân nhắm chủ yếu vào các cơ sở được cho là nơi lưu trữ VKHH của Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng xác nhận, chiến dịch tấn công trên nhằm tiêu diệt các cơ sở hạ tầng về VKHH của quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, cái cớ mà Mỹ đưa ra cho hành động dội bom Syria lần này thật sự vẫn còn quá mơ hồ.
Cả Syria và Nga đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ và phương Tây về vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma, Đông Ghouta – nguồn cơn dẫn đến hành động quân sự lần này của Tổng thống Trump. Damascus cho rằng, vụ tấn công nghi sử dụng VKHH này thật ra chỉ là một “sự kiện được thêu dệt”. Thực tế là cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ chứng cứ nào có thể chứng minh chính quyền Tổng thống Assad đứng sau vụ tấn công hóa học này. Tổ chức Cấm VKHH (OPCW) vẫn đang tiếp tục sứ mệnh điều tra vụ việc và chưa có bất kỳ kết luận chính thức nào.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ đã quyết định tấn công Syria ngay khi chưa có kết luận chính thức của các tổ chức liên quan và bất chấp mọi cảnh báo? Câu trả lời nằm trong chiến lược Trung Đông của Tổng thống Trump. Có thể thấy, Washington đang để mất dần vị thế và tầm ảnh hưởng ở Trung Đông vào tay Moscow. Tại Syria cũng vậy. Mỹ xem ra không còn hy vọng gì khi quân đội của chính phủ Tổng thống Assad đã thu được những thành quả trong cuộc chiến chống phe nổi dậy vốn được Washington và các đồng minh hậu thuẫn. Mỹ vì vậy đang cố gắng đảo ngược tình hình.
Ngoài ra, những tuyên bố cảnh báo liên tục về việc tấn công Syria khiến lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp không còn đường lùi. Với Mỹ, các cuộc không kích nhằm vào Syria là nhằm cho thấy, họ không hề nói suông, cũng như thể hiện sức mạnh quân sự và uy danh tại Trung Đông.

|
Người dân Hy Lạp tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Athens, phản đối các cuộc không kích của Washington và liên minh nhằm vào Syria. Ảnh: AP |
Nga sẽ làm gì?
Phía Nga cũng cho rằng, bằng các cuộc không kích chớp nhoáng và đầy tính toán chiến lược, Mỹ và các đồng minh muốn trao cơ hội cho lực lượng nổi dậy khôi phục hàng ngũ, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị.
Tuy nhiên, cho đến nay, Nga vẫn chưa có hành động đáp trả nào nhằm vào Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến Moscow vẫn “bình chân như vại” là do trong lần không kích này, có thể Mỹ đã tính toán chiến lược và không gây ra thương vong cho dân thường và binh sĩ của Syria cũng như của Nga. Nhưng nếu quân đội Mỹ khiến binh sĩ Nga thiệt mạng một cách vô tình hay cố ý, có khả năng cao Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ. Đây chính là vấn đề. Nga có thể làm ngơ nếu như các cuộc tấn công của Mỹ chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, nhưng nếu các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các căn cứ của Nga, đặc biệt là các nhân viên quân sự Nga, mọi thứ có thể lại đi theo một hướng khác.
Tương lai cho Syria - bài toán quá khó
Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và nhiều nước khác đều tham chiến tại Syria với nhiều mức độ khác nhau, biến quốc gia Trung Đông này thành một chiến trường ủy nhiệm vì các lợi ích khác nhau. Nhưng ngay trước các vụ không kích của Mỹ và liên quân, đã có nhiều hy vọng về một tương lai hòa bình cho Syria với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nga.
Nhưng rồi, bằng các cuộc không kích chớp nhoáng, Tổng thống Trump đã hai tay đẩy Syria vào cuộc chiến tranh phức tạp và kéo dài hơn nữa. Chương tiếp theo của cuộc nội chiến Syria đã được chính Washington lật sang trang mới. Nhưng quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump về việc có nên mở rộng các hành động quân sự ở quốc gia Trung Đông này vẫn không rõ ràng. Ông Trump cũng từng khẳng định: “Nước Mỹ không tìm kiếm sự hiện diện vô hạn ở Syria”. Nhưng xem ra, với tính cách khó đoán định, sẽ không thể biết được tương lai Syria nằm ở trong chiến lược Trung Đông đầy tham vọng của Tổng thống Trump.
Đó là chưa kể nguy cơ xung đột Mỹ-Nga ở Syria. Mặc dù cả Mỹ và Nga đều không mong muốn ở thế đối đầu, nhưng khi mọi thứ dễ trở nên mất kiểm soát sẽ dễ gây ra những hậu quả không mong đợi. Tại thời điểm này, đó là điều mà người ta lo ngại. Tương lai cho Syria lại là một bài toán quá khó.
KHẢ ANH