Lầu Năm Góc ngày 17-6 tuyên bố sẽ gửi thêm 1.000 binh sĩ và các nguồn lực quân sự đến Trung Đông với mục đích phòng thủ, viện lý do lo ngại về mối đe dọa từ Iran, động thái có thể làm gia tăng đối đầu giữa hai nước kể từ khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu tại Vịnh Oman hôm 13-6.
 |
Một trong hai tàu chở dầu bị cháy trong vụ tấn công mới đây tại Vịnh Oman. Ảnh: Reuters |
Đáp lại yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ về các lực lượng bổ sung, và lời khuyên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và tham khảo ý kiến của Nhà Trắng, tôi đã điều khoảng 1.000 quân đội bổ sung cho lực lượng không quân, hải quân và ứng phó với các mối đe dọa trên mặt đất ở Trung Đông”, quyềnBộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết trong một tuyên bố. “Các vụ tấn công của Iran gần đây đã xác nhận thông tin tình báo đáng tin cậy mà chúng tôi nhận được về hành vi thù địch của các lực lượng Iran và các nhóm ủy nhiệm của họ, vốn đe dọa nhân lực và lợi ích của Mỹ trên khắp khu vực”, ông Shanahan cho biết thêm. .Ông Shanahan khẳng định Mỹ không tìm cách gây xung đột với Iran và việc điều thêm quân tới Trung Đông là nhằm bảo vệ lợi ích cũng như quân nhân của Mỹ tại khu vực.
Một quan chức Mỹ cho biết, việc triển khai sẽ bao gồm lực lượng tình báo, giám sát và trinh sát, tên lửa phòng thủ để bảo vệ lực lượng. Việc triển khai quân này cũng sẽ bao gồm các nhân viên có thể tăng cường bảo vệ quân đội Mỹ đã được triển khai đến khu vực.
Ngay trước khi thông báo này, Lầu Năm Góc đã công bố một bộ ảnh chi tiết mà họ cho biết là các tàu Iran đã gỡ bỏ một quả mìn từ một trong hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13-6. Tehran đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc. “Hành động hôm nay đang được thực hiện để đảm bảo sự an toàn và lợi ích cho các nhân viên quân sự của chúng tôi làm việc trên toàn khu vực và để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Shanahan nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và điều chỉnh mức lực lượng cần thiết để tìm kiếm thông tin tình báo và phát hiện các mối đe dọa đáng tin cậy”, ông Shanahan khẳng định.
Cân nhắc hành động quân sự
Tin tức về việc triển khai quân bổ sung được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 17-6 rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ lên đường tới trung tâm chỉ huy giám sát các hoạt động quân sự ở Trung Đông trong ngày 18-6. Một ngày trước đó, ông Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang cân nhắc hành động quân sự chống Iran. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuyến đi của ông Pompeo tới Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tại Florida sau khi một quan chức cấp cao của Iran nói với CNN rằng, Washington và Tehran đang hướng tới “một cuộc đối đầu rất nghiêm trọng”.
Ông Pompeo và những người có cùng chí hướng cho rằng, hoàn toàn hợp lý khi Washington xem xét phản ứng quân sự với Iran. “Mỹ đang xem xét toàn diện các lựa chọn”, ông Pompeo nói trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS. Khi được hỏi liệu phản ứng quân sự có bao gồm hành động quân sự hay không, ông Pompeo nói: “Tất nhiên”. “Tổng thống sẽ xem xét mọi thứ chúng tôi cần làm để đảm bảo? Chúng tôi không muốn Iran có được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng, ông không muốn tham chiến”, ông Pompeo nói thêm.
“Kiềm chế tối đa”
Phản ứng với kế hoạch triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông của Mỹ, ngày 18-6, Nga kêu gọi các bên kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Trao đổi với báo giới, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ: “Chúng tôi không muốn thấy bất cứ bước đi nào mà làm tăng thêm căng thẳng tại khu vực vốn đang bất ổn này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế”. Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại. “Đây là vấn đề gây lo ngại sâu sắc, bởi căng thẳng sẽ leo thang tại khu vực Trung Đông”, Kyodo dẫn lời ông Nishimura trong buổi họp báo cho biết.
Các quan chức Châu Âu và quốc tế đang kêu gọi Mỹ “kiềm chế tối đa”. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 18-6 đã tới Washington để họp. Bà Mogherini kêu gọi Mỹ bình tĩnh, nhắc lại lời của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres rằng thế giới không thể chịu đựng thêm một cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông. “Kiềm chế tối đa và sự khôn ngoan nên được áp dụng”, bà Mogherini nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng thừa nhận căng thẳng với Iran trong một tuyên bố vào cuối ngày 17-6, nhưng kêu gọi chính quyền báo cáo cho Quốc hội về “các quyết định quan trọng”. “Người Mỹ không được ảo tưởng về chế độ Iran, và phải kiên định buộc Iran chịu trách nhiệm cho các hoạt động nguy hiểm của họ trong khu vực. Nhưng chúng ta phải mạnh mẽ, thông minh và chiến lược, chứ không phải liều lĩnh và bất chấp, trong cách tiến hành”, tuyên bố của nghị sĩ đảng Dân chủ tại California cho biết. “Quốc hội phải được thông báo ngay lập tức về các quyết định và kế hoạch của chính quyền. Quyết định quan trọng này có thể làm leo thang tình hình với Iran và có nguy cơ dẫn đến các tính toán sai lầm nghiêm trọng của cả hai bên. Ngoại giao là cần thiết để xoa dịu căng thẳng, do đó Mỹ phải tiếp tục tham khảo ý kiến các đồng minh để chúng ta không biến khu vực trở nên kém an toàn hơn”, bà Pelosi cho biết.
Iran tăng tốc làm giàu uranium
Hôm 17-6, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri, đã tuyên bố phủ nhận rằng Tehran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu và nói nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này quyết định chặn đường vận chuyển trên eo biển Hormuz chiến lược, họ sẽ làm điều đó một cách công khai. Phát biểu trên Truyền hình Nhà nước, Thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cho biết, Tehran chịu trách nhiệm về an ninh ở vùng Vịnh và kêu gọi các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực.
Đại sứ Iran tại Anh, Hamid Baeidinejad, cũng bác bỏ cáo buộc Teheran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN. Ông Baeidinejad cảnh báo Nhà Trắng sẽ “phải hối tiếc” khi đánh giá thấp Iran nếu xảy ra xung đột quân sự. Khi được hỏi ai khác có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công tàu chở dầu, ông Baeidinejad chỉ ra các quốc gia khác trong khu vực, “những người đã đầu tư mạnh, hàng tỷ USD, để đưa Mỹ vào cuộc xung đột quân sự với Iran”.
Sau khi phát biểu hôm 16-6 của ông Pompeo về khả năng sử dụng lực lượng quân sự, Iran tuyên bố nước này sẽ vượt qua giới hạn dự trữ uranium làm giàu được quy định trong Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi hồi tháng 5-2018. Ông Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Cơ quan Nguyên tử Iran, cho biết, Tehran sẽ tăng tốc độ làm giàu uranium lên 3,7%, cao hơn mức 3,67% của thỏa thuận hạt nhân. “Nếu Iran cảm thấy rằng các lệnh trừng phạt đã được khôi phục hoặc không được dỡ bỏ, Iran có quyền đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các cam kết của mình đối với thỏa thuận”, ông Kamalvandi nói. Tuy nhiên, ông Kamalvandi khẳng định vẫn còn thời gian để các nước Châu Âu cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nếu họ “tuân thủ các cam kết của mình”.
Tổng thư ký LHQ Guterres và nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã phản ứng với tuyên bố tăng cường làm giàu uranium của Iran bằng cách thúc giục Tehran tuân thủ thỏa thuận. Ông Guterres kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế các bước đi có thể dẫn đến căng thẳng leo thang trong khu vực”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông rất tiếc về tuyên bố của Iran và lưu ý rằng cho đến nay Paris vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. “Chúng tôi khuyến khích họ kiên nhẫn và có trách nhiệm”, ông nói.
AN BÌNH
Tổng thống Rouhani: Thế giới tán dương Iran trong cuộc đối đầu với Mỹ Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18-6 cho rằng, thế giới “tán dương” Tehran trong cuộc đối đầu với Washington, còn Mỹ đã thất hứa thông qua việc từ bỏ một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran vẫn tiếp tục tôn trọng. Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, ông Rouhani nói: “Ngày nay, chúng ta đang có cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ mà không nước nào trên thế giới lại không ca ngợi Iran. Tehran kiên định với cam kết của mình, kiên định với các thỏa thuận quốc tế trong khi nước chống lại chúng ta là nước coi thường tất cả các hiệp định, thỏa thuận và hiệp ước quốc tế”. Trong bài phát biểu ông Rouhani tuyên bố, Tehran sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ nước nào. “Iran sẽ không phát động cuộc chiến nhằm vào bất kỳ nước nào. Những kẻ đang đối đầu với chúng ta là một nhóm các chính trị gia hầu như không có kinh nghiệm”, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh. |