(Cadn.com.vn) - Những tranh cãi về kết quả bầu cử Quốc hội đang đẩy Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ván cờ chính trị hóc búa nhất trong sự nghiệp 28 năm qua.
Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, con thuyền Campuchia bị lạc lối vào vùng sóng lớn. Tình trạng tê liệt chính trị kéo dài kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 28-7 đến nay phủ bóng đen lên các hoạt động ở nước này.
Theo kết quả sơ bộ được truyền thông công bố rộng rãi, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được 68/123 ghế nghị sĩ Quốc hội khóa mới trong khi đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) giành được 55 ghế. Tuy nhiên, ngày 31-7, CNRP cho rằng, bầu cử có “những vi phạm nghiêm trọng” và họ mới là người chiến thắng với ít nhất 63 ghế trong Quốc hội mới.
Tất nhiên, mọi việc sẽ không thể đi đến hồi kết cho đến khi có kết quả bầu cử chính thức, dự kiến là trong vài tuần nữa. Nhưng tuyên bố rất thiện chí của Thủ tướng Hun Sen khi hoan nghênh một cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc gian lận bầu cử đã phần nào khiến chính trường nguội hơn. Ông Hun Sen cũng nói rõ ràng, cuộc điều tra này không cần phải có sự tham gia của LHQ hoặc các tổ chức quốc tế khác. Thay vào đó, ông đề nghị việc điều tra cần được trao cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC). Cũng theo Thủ tướng Hun Sen, CPP cầm quyền sẵn sàng cùng CNRP đối lập tham gia một ủy ban hỗn hợp điều tra những sai phạm nếu NEC đồng ý thành lập một ủy ban như vậy.
 |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói chuyện với công nhân khi đi kiểm tra công trình xây dựng cầu ở Phnom Penh hôm 31-7. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, trong ngày 2-8, NEC tái khẳng định, họ không có thẩm quyền thành lập một ủy ban hỗn hợp các đảng để điều tra những sai phạm trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Tổng Thư ký NEC Tep Nytha nói: “Như chúng tôi trả lời ông Sam Rainsy, việc thành lập một ủy ban điều tra hỗn hợp nằm ngoài thẩm quyền của NEC”.
Phe đối lập rõ ràng đang ngày càng tỏ ra quyết đoán trong nỗ lực “hất cẳng” CPP, mặc dù các quan sát viên quốc tế khẳng định, bầu cử diễn ra công bằng và dân chủ. Giới quan sát chính trị còn lưu ý, CNRP với 55 ghế theo kết quả sơ bộ, có khả năng ngăn chặn CPP trong việc có đủ ghế cần thiết theo luật định để họp phiên Quốc hội đầu tiên một khi kết quả chính thức được công bố. Trước tình hình này, Thủ tướng Hun Sen khuyến cáo CNRP rằng, họ sẽ mất ghế trong Quốc hội mới nếu hành động như vậy. Trong cuộc gặp riêng với Đại sứ Đức tại Phnom Penh Wolfgang Moser, Thủ tướng Hun Sen đề nghị ông Moser chuyển thông điệp này đến CNRP. Ông Hun Sen nêu khả năng sẽ chuyển ghế Quốc hội của CNRP cho các đảng nhỏ khác không giành được ghế nào trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 28-7 nếu phe đối lập tẩy chay các cuộc họp Quốc hội.
“Con đường duy nhất để bảo vệ hòa bình đất nước là người dân Campuchia đồng lòng và đoàn kết”, Thủ tướng Hun Sen nói. |
Đại sứ Đức Moser còn cho biết, ông Hun Sen nêu lên 2 kịch bản là sẽ hợp tác chặt chẽ với đảng đối lập hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội trước nhưng nhất định bác bỏ khả năng hình thành liên minh với CNRP để thành lập chính phủ. Rõ ràng, ông Hun Sen muốn hướng tới hợp tác với nhiều khả năng sẽ dành cho CNRP một số vị trí trong Quốc hội.
Những cảnh báo này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, ông Hun Sen có thể sẽ rất cứng rắn với CNRP. Vừa tỏ ra quyết đoán với phe đối lập, Thủ tướng Hun Sen cũng hối thúc người dân đoàn kết, đảm bảo trật tự ngăn chặn nguy cơ gây chia rẽ dân tộc. Ông Hun Sen cũng yêu cầu các công dân trong cả nước chấm dứt thảo luận việc ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Hiện CPP đã thành lập nhóm làm việc để đàm phán với CNRP đối lập của thủ lĩnh Sam Rainsy. Tuy nhiên cho đến nay, ông Sam Rainsy chưa có phản ứng chính thức, chỉ khẳng định giờ chưa phải là thời điểm để đàm phán.
Khả Anh