Các nước thuộc liên minh quân sự duy nhất trên thế giới - NATO - đang nóng lên từng ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12-7 tại Brussels, Bỉ. Thật sự là, các nhà lãnh đạo NATO đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn đối với tín nhiệm của liên minh quân sự này tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Thật kỳ lạ, mối đe dọa này không phải đến từ Nga, mà là từ người đứng đầu của một nước thành viên hùng mạnh nhất trong NATO, Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà lãnh đạo NATO từng lo sợ Tổng thống Trump có những tuyên bố không đúng trong việc thuyết phục Nga rằng, “Mỹ vẫn nghiêm túc trong việc bảo vệ Châu Âu”. Bây giờ họ lo lắng về điều gì đó lớn hơn: một sự tan rã hoàn toàn của liên minh, hoặc ít nhất là sự suy yếu trong các cam kết an ninh của Washington đối với NATO.
Thật sự, hội nghị thượng đỉnh lần này đang trở nên khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Vấn đề đặt ra khi hội nghị lần này là nơi Mỹ được cho sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên của tổ chức này tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, phù hợp với những yêu cầu của liên minh này.
Các đồng minh trong NATO đang bị Tổng thống Trump chỉ trích mạnh mẽ do không chi đủ ngân sách cho quốc phòng. Và họ lo rằng, giọng điệu hoài nghi của nhà lãnh đạo này đối với NATO có thể biến thành sự chống đối ngay lập tức. Ngoài ra, lãnh đạo các nước thành viên khác của NATO còn lo ngại sự lặp lại những gì đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước, vốn kết thúc rất lộn xộn khi ông Trump bất ngờ bác bỏ tuyên bố kết thúc hội nghị.
Vì vậy, những gì Tổng thống Trump nói sẽ mang tính quyết định đối với tương lai liên minh quân sự này. Nhưng không ai đoán được ông chủ Nhà Trắng sẽ nói gì, động thái đang phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Lo ngại đặt ra là một hội nghị thượng đỉnh quá chia rẽ và gay gắt có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm chứng minh sự đoàn kết trong việc đối phó mối đe dọa gia tăng ở sườn phía Đông của liên minh này, đặc biệt là khi Tổng thống Trump dự định gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki vài ngày sau đó.
Nếu các đồng minh NATO từ chối đáp ứng lời kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng, ông Trump có thể đề cập đến việc “vẽ lại bức tranh” an ninh tại Châu Âu trong cuộc hội đàm với ông Putin. Ông Trump có thể sử dụng đề xuất này để làm giảm sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu, đổi lại nhận được một sự đảm bảo từ ông Putin, nhà lãnh đạo có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tehran và đảm bảo việc rút các lực lượng Iran khỏi Syria.
THANH VĂN