(Cadn.com.vn) - Ngày 27-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì hội thảo toàn quốc “Phát triển công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe ô-tô khách”.
CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, đến giữa tháng 6-2014, các địa phương đã rà soát và công bố có 457 bến xe ô-tô khách, trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên, đảm bảo phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ GTVT (bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe, trong đó có trên 70% số bến xe từ loại 4 trở lên).
Về diện tích, trang thiết bị tại 322 bến xe loại 4 trở lên đều đảm bảo đúng quy chuẩn, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ phục vụ nhu cầu tối thiểu của hành khách theo quy chuẩn, nhiều bến xe chưa quan tâm xây dựng và tổ chức các dịch vụ phụ trợ cho hành khách như dịch vụ nghỉ qua đêm, dịch vụ giải trí cho hành khách trong thời gian chờ đợi, dịch vụ phục vụ giao thông tiếp cận...
Bên cạnh đó, các nội dung cần thông tin tới hành khách như thời gian biểu chuyến đi, giá vé, chất lượng dịch vụ... nhiều bến xe thực hiện niêm yết một cách thủ công; công tác ứng dụng phần mềm bến xe, phần mềm theo dõi hoạt động của các bến xe còn chưa được chú trọng.
Về quy hoạch, UBND cấp tỉnh đều đã công bố quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhưng đáng lo ngại là nhiều địa phương công tác xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập. Ở Bình Định, theo quy hoạch đến năm 2010 phải có 10 bến xe, nhưng đến nay chỉ đang thực hiện 6 bến xe mà chưa phục vụ hết công suất. Hay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều bến xe quá tải, gây ảnh hưởng lớn đến tổ chức giao thông công cộng của đô thị.
Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng được xây dựng hiện đại trên diện tích 80.000m2, nhưng hiện nay công suất mới chỉ đạt 20% với lưu lượng xuất bến hơn 500 chuyến xe trên ngày; bến xe Đức Long Đà Nẵng có cơ sở vật chất khiến nhiều bến xe khác "mơ không thấy", nhưng đến nay cũng chỉ có 2 chuyến xe trên ngày.
Ở đô thị lớn Hà Nội, nhiều bến xe đang quá tải, trong khi đó bến xe Nước Ngầm trong năm 2014 đã mở rộng thêm hơn 7.000m2, đưa tổng diện tích của bến xe lên tới trên 18.000m2, nhưng mới phục vụ 200 lượt xe xuất bến/ngày, đạt 30% công suất thực tế.

|
Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng. |
XÃ HỘI HÓA BẾN XE LÀ CẤP THIẾT
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian đến bên cạnh việc tập trung chỉ đạo làm tốt chủ đề của Năm ATGT 2014 là "siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” theo phương châm hành động "đổi mới hơn nữa; quyết liệt hơn nữa; chất lượng hơn nữa; hiệu quả hơn nữa; tăng tốc hơn nữa và phát triển hơn nữa" thì trên hết lúc này, các địa phương phải chú trọng đến công tác xã hội hóa bến xe.
Ở điều kiện ngân sách Nhà nước hạn chế như hiện nay, Chính phủ đang quán triệt hạn chế đầu tư công và cố gắng tạo mọi thuận lợi để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có xã hội hóa công tác đầu tư, xây dựng bến xe.
Để kêu gọi được các nguồn vốn tham gia vào việc đầu tư, xây dựng bến xe ô-tô khách và nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của bến xe ô-tô khách, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, thời gian tới Bộ GTVT sẽ nghiên cứu quy định để tăng cường tính kết nối giữa các phương thức vận tải với bến xe; tổ chức giao thông trong và ngoài bến xe hiệu quả.
Bến xe được phép truy cập và chiết xuất dữ liệu thông tin để theo dõi. Phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để điều tiết luồng tuyến tại các bến xe, ưu tiên tổ chức vận tải liên tỉnh tại các bến xe có cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học công nghệ tốt, đặc biệt là các bến xe trung tâm.
Bên cạnh đó, các địa phương phải xây dựng ngay các quy định để đảm bảo các bến xe có trách nhiệm cùng đơn vị vận tải thu hút hành khách vào bến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của bến xe như yêu cầu bán vé trực tuyến, vé điện tử, sử dụng máy soi hành lý để đảm bảo an toàn trong bến xe, niêm yết điện tử các thông tin cần thiết tại bến xe loại 1 và loại 2.
"Điều chỉnh quy hoạch, có chế độ chính sách, cơ chế ưu đãi xã hội hóa đầu tư bến xe là quan trọng, nhưng phải được công khai thông báo minh bạch cho toàn dân biết, không được úp mở, trong đó các cơ quan chức năng của Bộ phải thường xuyên lắng nghe các ý kiến của nhân dân. Quan trọng nhất lúc này là ưu tiên cho công tác xã hội hóa đầu tư phát triển bến xe, xã hội hóa công tác quản lý khai thác tại các bến để nâng cao chất lượng vận tải phục vụ nhân dân.
Nguyện vọng của người dân là làm sao ngành GTVT phải đạt được mục tiêu: Nâng cao chất lượng phục vụ vận tải tối ưu nhất, phục vụ người dân tốt nhất, thích hợp nhất, xứng đáng với đồng tiền nhân dân bỏ ra” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Công Hạnh