Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghệ, rà soát quy hoạch quĩ đất ngoài khu công nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng các khu công nghiệp mới... là một số giải pháp trọng tâm Đà Nẵng sẽ triển khai trong “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”.
Tâm điểm khu CNC
Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư trong năm 2018, năm đẩy mạnh thu hút đầu tư của TP. Bởi lẽ, Khu CNC hiện đã có 406 ha đất sạch với hạ tầng hoàn thiện sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của NĐT trong bối cảnh tiếp cận đất đai đầu tư ở TP đang là vấn đề khó khăn với DN. Nhưng quan trọng hơn, Chính phủ vừa cho Khu CNC Đà Nẵng cơ chế ưu đãi vượt trội, có thể nói “vô tiền khoáng hậu”, nên TP phải nhanh chóng tận dụng, nếu không muốn bị lỡ mất cơ hội.
Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh- Phó trưởng BQL Khu CNC Đà Nẵng cho biết, qui mô của Khu CNC, Khu CNTT, Khu phụ trợ nằm sát nhau tổng diện tích hơn 1.500 ha, hiện Khu CNC có hơn 400 ha đất sạch (đang triển khai giai đoạn 2 là 187 ha), Khu CNTT 341 ha đang triển khai (hoàn thành cuối năm 2018). Bên cạnh đó, 10/18 tuyến đường nội bộ trong Khu CNC hiện đã hoàn thành; nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 công suất 18 ngàn m3/ngày đêm đang vận hành thử; 2 DN thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác đã đi vào hoạt động; tổng cộng 10 dự án đã được cấp phép đầu tư vào Khu CNC với tổng vốn gần 250 triệu USD, sử dụng hơn 34 ha đất. Năm 2018, BQL Khu CNC sẽ tập trung xúc tiến 9 dự án về sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm, chế phẩm sinh học, logistics, khu ở và các dịch vụ dân sinh. Trong số đó, dự án xây dựng nhà xưởng, văn phòng cho thuê và cung cấp một số dịch vụ liên quan của Cty Long Hậu có vốn lớn nhất, khoảng 44 triệu USD, trên diện tích hơn 30 ha.
Kế hoạch là vậy, song ông Hùng Anh cho biết, để có thể thu hút thành công các dự án vào Khu CNC, TP cũng cần giải quyết một số vướng mắc. Chẳng hạn như kết nối hạ tầng giao thông giữa Khu CNC đến trung tâm TP và các địa phương lân cận chưa hoàn thiện (đường Nguyễn Tất Thành nối dài, tuyến xe buýt nối trung tâm, nút giao thông khác mức giữa tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan với lối vào đường Trung tâm Khu CNC...). Bên cạnh đó, TP cần rà soát và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn quy hoạch phía Tây Bắc với các tiện tích hạ tầng, các cơ sở giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí, trung tâm thương mại.
Để giải quyết vấn đề rất khó khăn là nhân lực cho Khu CNC, ông Hùng Anh cho biết, Ban đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với một số tổ chức nghiên cứu, phát triển, đào tạo, ươm mầm như Đại học quốc gia Hanbat (Hàn Quốc), ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, Ban tổ chức đối thoại với DN trong Khu CNC nhằm giải quyết những vướng mắc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ông Hùng Anh cho rằng, với qui mô, vị trí và tầm nhìn chiến lược, nếu Khu CNC được tập trung phát triển sẽ sớm trở thành khu đô thị khoa học - CNC phía Tây Bắc của TP.

|
Khu CNC hiện có hơn 400 ha đất sạch sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư. |
Gỡ vướng từ đất đai và cơ chế
Ông Phạm Việt Hùng- Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng (BQL KCN&CX) cho biết đang kêu gọi, xúc tiến một nhà đầu tư từ Bỉ sản xuất thép lốp xe với quy mô tổng vốn 500 triệu USD. Nếu dự án này vào thì KCN hết đất. Vì thế, ông Hùng cho biết TP cần khẩn trương xây dựng 3 KCN mới mà Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch để có mặt bằng kêu gọi đầu tư. Cái vướng hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, giải tỏa đền bù nhiều, kêu nhà đầu tư xây KCN theo hướng xã hội hóa rất khó. Nếu TP đứng ra giải phóng mặt bằng, DN sẵn sàng đầu tư xây KCN. Ông Hùng ước tính tổng số tiền TP bỏ ra thực hiện công tác đền bù giải tỏa tạo mặt bằng sạch khoảng 1.634 tỷ đồng. Song song với đó, ông Hùng cũng cho biết, TP cần có cơ chế cho DN đã thuê đất sản xuất trong KCN được nộp tiền đất một lần thay vì thu hàng năm. Bởi lẽ, như vừa qua việc điều chỉnh tăng giá thuê đất quá cao, từ 12,6 ngàn đồng/m2 lên 23 ngàn đồng/m2/năm. DN muốn trả tiền một lần để ổn định lâu dài, yên tâm sản xuất. Đơn cử như DN Dawai (Nhật Bản) chuyên sản xuất cần câu tại KCN Hòa Khánh muốn tập hợp tất cả các nhà máy sản xuất cần câu về đây để mở rộng sản xuất và muốn được trả tiền thuê đất một lần để ổn định sản xuất lâu dài.
Ông Lê Cảnh Dương- Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, nếu so với các tỉnh trong khu vực như Quảng Nam, Phú Yên thì thu hút FDI vào Đà Nẵng hiện thấp hơn. Lý do vì các địa phương lân cận có quĩ đất lớn, có các khu kinh tế với nhiều ưu đãi, không sàng lọc thu hút khắt khe như Đà Nẵng. Mặt khác, việc cạnh tranh trong thu hút đầu tư hiện rất lớn, cơ chế thu hút của Đà Nẵng chưa thực sự cạnh tranh, DN chưa được ưu đãi nhiều về thuế, thuê đất, TP lại thiếu lao động hành nghề, nhân lực công nghệ cao... Từ thực tế đó, ông Dương cho biết, giải pháp trong năm 2018 là TP cần đầu tư các dự án trọng điểm đã có chủ trương cho nghiên cứu đầu tư như cảng Liên Chiểu, Khu công viên phần mềm số 2, các khu, cụm công nghiệp mới. Đặc biệt, cần hoàn chỉnh quy hoạch đất đai ngoài KCN để có mặt bằng kêu gọi đầu tư, hoàn thiện Khu Công nghệ thông tin tập trung, tạo cơ chế chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ. Ông Phùng Tấn Viết- Trưởng BQL Khu CNC nói, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNC rất khó, nhưng hiện tại tiêu chuẩn qui định nhiều, phức tạp. Ông Viết so sánh: “Hoa hậu cũng chỉ có 3 vòng, còn DN muốn vào Khu CNC phải qua 7 vòng”. Rõ ràng, những tiêu chuẩn qui định cũng cần đơn giản hóa cho phù hợp.
HẢI QUỲNH