Ngày 7-3, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu (CA tỉnh Đắk Nông) cho biết: Liên quan tới vụ án Phan Hữu Phượng (thường gọi là Phượng "râu") và đồng bọn có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CA tỉnh Đắk Nông) đã khởi tố 24 bị can để điều tra, làm rõ các nội dung phạm pháp liên quan.

|
Số gỗ lậu của ông trùm Phượng “râu” (ảnh nhỏ) bị bắt giữ. |
Trùm gỗ lậu Phượng “râu” là ai? Theo thông tin của cơ quan điều tra, Phan Hữu Phượng (50 tuổi, biệt danh Phượng "râu", quê Nghệ An, trú tổ dân phố 2, TT Ea T'ling, H. Cư Jút, Đắk Nông) đã có hơn 10 năm làm nghề kinh doanh gỗ. Những năm đầu lập nghiệp ở đất Cư Jút, Phan Hữu Phượng không có nghề nghiệp ổn định, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Sau này, ông ta mua được một con trâu để đi kéo gỗ tạp quanh vùng. Qua một thời gian, Phượng "tậu" được chiếc xe chuyên dụng để kéo gỗ. Tuy nhiên, khi công việc làm ăn tạm ổn định, loại xe này bị cấm, Phượng lại tay trắng. Khoảng năm 2013, sau khi Chính phủ có lệnh "đóng cửa rừng" lần thứ nhất (không giao chỉ tiêu khai thác gỗ cho các công ty lâm nghiệp), Phượng bắt đầu làm ăn khấm khá, giàu hẳn lên. "Thời gian gần đây, xưởng phía sau nhà Phượng lúc nào cũng có gần 10 công nhân chuyên làm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Đặc biệt, có một đội quân được Phượng nuôi ăn ở, trả lương tháng hơn 10 triệu đồng chuyên đi khai thác gỗ", một nhân chứng cho biết. Ngày 27-4-2018, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã khám xét nhà, bắt khẩn cấp Phan Hữu Phượng để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Quá trình thực hiện lệnh khám xét, cơ quan điều tra phát hiện Phượng trữ một lượng gỗ quý hiếm. Số lượng gỗ quý hiếm rất nhiều loại, được Phượng trữ trong 3 nhà kho. |
Theo đó, đối tượng cầm đầu là Phan Hữu Phượng cùng với hai bị can Nguyễn Thành Kiệt và Nguyễn Hoàng Trang bị khởi tố hai tội danh là "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản" (Điều 232) và "Đưa hối lộ" (Điều 364), Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hai bị can Bùi Văn Khang (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Cư Mgar, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và Hà Thăng Long (Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị can Lê Quang Thái (Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, thuộc Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), Nguyễn Tấn Bình (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 10, Vườn Quốc gia York Đôn, H. Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và 3 đối tượng khác bị khởi tố, điều tra hành vi nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên quan đến vụ án, 14 bị can tham gia khai thác, vận chuyển, tàng trữ gỗ lậu trong “đường dây” của Phượng "râu" cũng bị khởi tố tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản" theo quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đắk Nông) đã thu giữ hơn 600m3 gỗ bất hợp pháp liên quan đến vụ án.
Trước đó, rạng sáng 27-4-2018, tại Vườn Quốc gia York Đôn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã bắt giữ hai ô-tô tải chở hơn 37m3 gỗ tròn không có dấu búa kiểm lâm, không có giấy tờ hợp lệ. Các đối tượng khai nhận đang vận chuyển gỗ về xưởng của đối tượng Phan Hữu Phượng tại thị trấn Ea Tling, H. Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Khám xét nhà, xưởng của đối tượng Phượng, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm mét khối gỗ quý không có giấy tờ hợp lệ.
Đến ngày 3-5-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố đối tượng Phan Hữu Phượng và 4 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" theo Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong quá trình điều tra vụ án cơ quan chức năng đã khởi tố thêm nhiều đối tượng liên quan, trong đó có nhiều cán bộ kiểm lâm được xác định đã tiếp tay, “làm lơ” để đối tượng Phượng và đồng bọn khai thác, vận chuyển, tàng trữ gỗ lậu.
H.T