Australia, New Zealand mở cửa biên giới

Thứ ba, 20/04/2021 08:00

Ngày 19-4, hàng trăm hành khách từ Australia bắt đầu đến các sân bay ở New Zealand sau khi nhà chức trách quyết định mở cửa biên giới trở lại, lần đầu tiên cho phép áp dụng chương trình "du lịch không cách ly" giữa hai nước kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Một gia đình vui mừng chờ đợi đoàn tụ người thân ở Sân bay quốc tế Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP

Sáng kiến "bong bóng" được chờ đợi từ lâu này đã giúp gỡ bỏ yêu cầu cách ly với người nhập cảnh. Cả hai quốc gia đều đã kiểm soát được dịch và giữ mức lây nhiễm thấp, phần lớn nhờ vào chính sách siết chặt biên giới. Để bay theo quy định "bong bóng" 14 ngày trước khi bay, hành khách đã phải ở Australia hoặc ở New Zealand. Họ không được ở trong tình trạng đang chờ kết quả của xét nghiệm COVID-19, cũng như không có bất kỳ triệu chứng nhiễm COVID-19 nào, và còn có một số các quy tắc khác.

Nước mắt ngày "du lịch không cách ly"

Những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt tràn ngập Sân bay quốc tế Auckland hôm 19-4 khi người dân từ Australia có thể tự do đi đến New Zealand lần đầu tiên sau hơn 1 năm.

Đài truyền hình Australia phát những hình ảnh đầy xúc động tại các sân bay, khi các gia đình được hội ngộ và hành khách chật ních khu vực sảnh đi quốc tế của sân bay. Hành khách bay đến thủ đô Wellington của New Zealand được chào đón với dòng chữ "Chào mừng đại gia đình" được sơn chữ to màu trắng ở gần đường băng. Tại sân bay Auckland, một đội hợp xướng đã ca bài ''Chúc mừng trở về nhà'' của ca sĩ nổi tiếng Dave Dobbyn khi những người thân ôm hôn nhau ngày hội ngộ.  Một số hành khách nói rằng, họ phải ngồi chờ bên ngoài từ 2 giờ sáng giờ địa phương trước cả khi sân bay mở cửa. Một số khác nói họ háo hức tới mức không ngủ được. "Tôi chưa từng hình dung mình sẽ xúc động như vậy trong ngày hôm nay", hành khách Dawn Tratt nói với BBC tại sân bay Sydney.

Hãng hàng không Qantas cho biết sẽ tăng số chuyến bay giữa hai nước lên khoảng 200 chuyến/tuần, trong khi hãng hàng không Air New Zealand cho biết tăng gấp 4 lần số chuyến bay, lên 30 chuyến trong ngày 19-4. Các chuyến bay đến New Zealand đã bán hết 97% số vé. Chuyến bay của hãng Jetstar không còn chỗ trống. Đây thật sự là một ngày trọng đại với các hãng hàng không sau một năm thảm họa do đại dịch, đồng thời cũng là một thở dài nhẹ nhõm cho ngành vận tải hành khách và du lịch.

Thúc đẩy kinh tế

Hai nước đóng cửa biên giới vào tháng 3-2020 và áp dụng chính sách bắt buộc cách ly đối với công dân hồi hương. Từ tháng 10, người từ New Zealand được phép đến hầu hết các bang ở Australia mà không phải cách ly, nhưng chính sách này đã không được đáp lại từ phía New Zealand do lo ngại các đợt bùng phát bất chợt.

Phát biểu với báo giới từ thủ đô Wellington, Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern cho biết: "Chương trình kích cầu du lịch đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc New Zealand kết nối trở lại với thế giới và là dấu mốc đáng tự hào". Bà Ardern nhấn mạnh, với việc biên giới được mở cửa trở lại, Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ thăm New Zealand "trong một tương lai không xa", trong khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne sẽ đến New Zealand ngày 21-4 tới.

Hành lang đi lại an toàn này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế hai nước, Thủ tướng Scott Morrison và người đồng cấp Jacinda Ardern bày tỏ trong tuyên bố chung. "Thật là phấn khởi khi có thể khởi động việc đi lại mà không cần cách ly với Australia, New Zealand xin chào đón các gia đình hồi hương, bạn bè hội ngộ và du khách nghỉ dưỡng," bà Ardern nói. Tuy nhiên, trong không khí vui mừng khôn xiết khi biên giới được mở cửa, lãnh đạo hai nước vẫn cảnh báo các hành khách cần sẵn sàng cho trường hợp xảy ra hoãn hoặc hủy chuyến tùy theo tình hình dịch bệnh. Hai nhà lãnh đạo nói rằng, hành lang đi lại xuyên biển Tasman sẽ liên tục được xem xét do tính chất rủi ro cao của việc không cách ly. Hai nước này trước đó cũng từng nêu ra ý tưởng thiết lập các hành lang đi lại an toàn riêng rẽ với những nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp.

Cả Australia và New Zealand đều được khen ngợi về thành tích đối phó đại dịch COVID-19. Kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa là những biện pháp quan trọng giúp giữ mức lây nhiễm thấp. Đến nay Australia ghi nhận 910 người chết và New Zealand ghi nhận 26 người chết. Dù thành công trong việc kiểm soát dịch bùng phát, Canberra lại đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng tăng do trễ nải trong công tác phân phối vaccine. Nước này triển khai vaccine chậm hơn các quốc gia khác và đã không đạt được mục tiêu miễn dịch. Sự chậm trễ này có thể dẫn tới trì hoãn trong việc nới lỏng các biện pháp siết chặt biên giới trong tương lai. 

KHẢ ANH