Ba Lan có tân Thủ tướng
Theo truyền thông Ba Lan, đề xuất trao nhiệm vụ thành lập Chính phủ cho ông Tusk nhận được 248 phiếu thuận, 201 phiếu chống và không có phiếu trắng. Văn phòng Tổng thống Andrzej Duda cũng thông báo Chính phủ mới của Ba Lan sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 13-12.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Ba Lan bỏ phiếu tín nhiệm với Thủ tướng Mateusz Morawiecki, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền. Với 190 phiếu thuận và 266 phiếu chống, quốc hội Ba Lan không ủng hộ đề xuất lập nội các mới của Thủ tướng Morawiecki, đồng nghĩa ông không thể tiếp tục nắm quyền. Trong cuộc bầu cử ngày 15-10, đảng PiS của ông Morawiecki đứng đầu nhưng không đủ đa số tại quốc hội để thành lập chính phủ. Theo luật, quốc hội Ba Lan trao cơ hội cho ông tìm cách liên minh với các đảng khác để thành lập nội các, nhưng Morawiecki đã không thành công, khi tất cả các đảng đều từ chối hợp tác với họ. Thất bại của ông Morawiecki mở ra cơ hội cho cựu thủ tướng Donald Tusk.
"Tôi mang ơn những người đã tin tưởng vào một đất nước Ba Lan tuyệt vời, mới mẻ này. Tôi cũng mang ơn những người đã tin vào chúng tôi và quyết định thực hiện sự thay đổi mang tính lịch sử này", ông Tusk phát biểu sau cuộc bỏ phiếu quốc hội. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng ông Tusk trở thành Thủ tướng mới của Ba Lan.
Hàn gắn quan hệ với EU
Các chuyên gia chính trị nhận định, việc ông Tusk trở lại làm Thủ tướng Ba Lan sẽ kết thúc 8 năm cầm quyền của PiS theo chủ nghĩa dân tộc, mở đường cho một chính phủ mới thân châu Âu ở Ba Lan. Ông Tusk, người từng giữ chức thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2014 trước khi làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu từ năm 2014 đến năm 2019, đã tuyên bố sẽ hàn gắn mối quan hệ của Warsaw với Liên minh châu Âu (EU) và giải ngân hàng tỷ EUR dành cho Ba Lan vốn đã bị giữ lại do lo ngại về vấn đề pháp quyền.
Ba Lan đã chứng kiến khoảng 110 tỷ EUR (118 tỷ USD) tiền quỹ (gồm 35 tỷ EUR tiền tài trợ và cho vay từ chương trình cứu trợ đại dịch của EU và 76,5 tỷ EUR tiền phát triển thường xuyên của EU cho Ba Lan ) bị đóng băng do tranh chấp với Brussels về các tiêu chuẩn dân chủ. Khoản tiền này đã bị Ủy ban châu Âu chặn cho đến khi Ba Lan đạt được các mốc quan trọng đã được thống nhất trong việc hủy bỏ những thay đổi đối với hệ thống tư pháp mà Brussels cho rằng đã khiến các thẩm phán nằm dưới sự kiểm soát chính trị.
Tuần trước, ông Tusk đã tuyên bố việc đầu tiên sau khi nhậm chức sẽ là hàn gắn quan hệ và giải phóng khoản quỹ trên cho đất nước. "Chúng tôi đang làm việc không ngừng nghỉ", ông Tusk cho biết và thông báo đã thành lập một nhóm với Bộ trưởng Tư pháp sắp nhậm chức Adam Bodnar và Bộ trưởng Châu Âu Adam Szapka để giải quyết vấn đề - một trong những cam kết quan trọng mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Bộ trưởng Ngoại giao mới dự kiến sẽ là Radosaw Sikorski, một thành viên của Nghị viện châu Âu, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao thời chính quyền của ông Tusk từ năm 2007 đến năm 2014.
Chính phủ mới của ông Donald Tusk cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giải quyết những tác động từ cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia láng giềng Ukraine. Theo kế hoạch, ông Tusk sẽ bay tới Brussels để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần để thảo luận những vấn đề quan trọng đối với tương lai của Kiev.
AN BÌNH