Bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia

Thứ sáu, 27/05/2022 09:47
Liên quan đến đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia vừa bị triệt phá, ngày 26-5, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Các đối tượng trong đường dây tại cơ quan Công an
Các đối tượng trong đường dây tại cơ quan Công an

Các đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội - Phó giám đốc, thay mặt đối tượng cầm đầu người Trung Quốc quản lý điều hành việc cho vay của công ty tại Việt Nam); Trần Thị Thu Huyền (SN 1993, trú tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, có nhiệm vụ đối ngoại, xử lý các mối quan hệ phát sinh bên ngoài hoạt động của công ty.

Ngoài ra, Huyền còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu đòi nợ thuê); Trần Bá Phan (SN 1990, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội- trợ lý, giúp việc trực tiếp và phiên dịch cho ông trùm người Trung Quốc; nếu đối tượng này không có mặt tại Việt Nam, Phan sẽ nhận lệnh từ Nguyễn Quang Vũ.

Phan cũng được giao thành lập 2 công ty con để phục vụ việc cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê của công ty tổng do đối tượng người Trung Quốc chỉ đạo điều hành); Phan Đức Diễn (SN 1991, trú tại phường Phú Diễn, quận Tây Hồ, Hà Nội - nhân viên chăm sóc khách hàng, đối soát số tiền giải ngân và số tiền thu về giữa công ty và đối tác là công ty thanh toán trung gian dưới sự chỉ đạo của Vũ).

Nguyễn Trọng Bằng (SN 1988, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội-nhân viên kế toán nội bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp đến ngân hàng để rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng của công ty con, chuyển một phần vào công ty tổng để duy trì hoạt động, số còn lại sẽ chuyển vào tài khoản của đối tượng cầm đầu người Trung Quốc).

Bùi Thị Như Hoa (SN 1975, trú tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội-kế toán trưởng của công ty tổng và một công ty con, có nhiệm vụ là làm thủ tục thu, chi và các giấy tờ liên quan đến thuế của hai công ty trên) và Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc, hiện đang tạm trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội-quản lý bộ phận nhắc và truy thu nợ của công ty).

Trước đó, như Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có cả đối tượng là người nước ngoài. Các app này gồm: “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”.

Thủ đoạn của các đối tượng là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng. Người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu "con nợ" không thanh toán được khoản vay.

Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm. Nếu người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ, được phân cấp khác nhau, nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của “con nợ” bởi toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà “con nợ" đã cung cấp trước đó đều nằm trong tay đối tượng. Thậm chí, đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Xác định tính chất phức tạp của tình trạng trên, CATP Hà Nội và Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Ngày 24-5, đồng loạt các tổ công tác của Ban chuyên án đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức này ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây này và số tiền chúng giải ngân cho vay khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Cho đến khi bị đánh sập, đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” này ước tính đã thu lợi nhuận bất chính khoảng gần 500 tỷ đồng.

Hiện cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục đấu tranh, điều tra mở rộng.

Theo CAO