Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam: Gồng mình vì quá tải
(Cadn.com.vn) - Quy mô thiết kế 330 giường nhưng vào mùa cao điểm, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam (TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc) phải nhận tới 750 bệnh nhân điều trị nội trú. Thực tế này là một bài toán nan giải cho Sở Y tế cũng như UBND tỉnh Quảng Nam trong công tác chăm sóc, chữa bệnh cho người dân. Theo lãnh đạo Bệnh viện, ngay trong mùa hè này, các phương án để “giật gấu vá vai” cũng đã hết mà chưa có kịch bản khả dĩ nào để đối phó với nguy cơ quá tải lên đến hơn 200%
21 trưởng khoa phải nhường phòng cho bệnh nhân
Đó là giải pháp “cơi nới” cuối cùng để Bệnh viện đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú cho bệnh nhân đến từ các huyện xa xôi như Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Một số bệnh nhân tại khu vực phía Tây Duy Xuyên, Điện Hồng, Điện Tiến (Điện Bàn) và người dân địa phương có thể khi cần thì tới khám rồi xin thuốc về điều trị tại nhà. Trước khi 21 trưởng khoa phải về làm việc chung tại phòng làm việc của bác sĩ hoặc phòng giao ban, bệnh viện cũng đã “cải tiến” một số phòng hành chính để đặt giường bệnh. Trước đó, mỗi phòng bệnh bình thường đã phải kê gấp đôi số giường theo công suất thiết kế sau khi thực hiện phương án mỗi giường 2 người. Nghĩa là đến lúc này, mùa cao điểm nhận bệnh của tất cả các trung tâm y tế, bệnh viện đã “hết bài” để đối phó với tình trạng quá tải. “Đúng vai trò hiện nay thì bệnh viện bao phủ hơn 300 nghìn dân. Ngoài việc khám 500-600 người mỗi ngày thì lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn ở mức 600-750 người. Không những không đủ khả năng đón thêm bệnh nhân mà chất lượng khám chữa bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Thạc sĩ Tô Mười – Giám đốc Bệnh viện trao đổi.
Đích thân Thạc sĩ Tô Mười đưa chúng tôi xuống Khoa Ngoại để tận mắt chứng kiến cảnh quá tải ở các phòng bệnh. Không khí căng thẳng, ngột ngạt, những bệnh nhân còn đi lại được phải ra hành lang ngồi, còn lại phải dùng giường “chêm”, giường “ghép”. Ông Alăng Tor (xã Aroi, H. Đông Giang) nói: “Tui bị gãy chân, xuống đây gần 1 tuần rồi. Cái giường bé tí phải nằm 2 người, lộn đầu với nhau. Hôm nào trời mát còn đỡ, gặp trời oi bức thì chịu không thấu”. Chị Trương Thị Chanh là cán bộ điều dưỡng của bệnh viện, bị tai nạn giao thông cũng phải chịu cảnh chật chội như bao người khác. Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn– Trưởng Khoa Ngoại than thở: “Tình thế vậy rồi, phải chấp nhận chứ không thể khác được”.
Quy mô chỉ 330 giường nhưng ngày cao điểm, Bệnh viện phải đón hơn 750 bệnh nhân điều trị nội trú.
Ngóng sở, chờ tỉnh
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải, theo lãnh đạo bệnh viện, đó là lúc xây dựng đã không lường hết trước được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng cao. Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi nhưng hiện tại, ngoài Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, người dân khu vực phía Tây Duy Xuyên, các xã Điện Hồng, Điện Tiến và thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc cũng đã đến khám chữa bệnh ngày một nhiều. Phạm vi bao phủ khoảng 300 nghìn dân trong khi quy mô thiết kế ban đầu chỉ 330 giường bệnh. Ngoài quy mô giường, phòng thì chuyện trang thiết bị, số lượng và chất lượng đội ngũ y, bác sĩ cũng đang rất cần thiết được nâng cao. Theo Thạc sĩ Tô Mười, Bệnh viện hiện có 420 cán bộ viên chức, trong đó chỉ có 51 bác sĩ, trung bình chỉ có hơn 2 bác sĩ/phòng, khoa. Mặc dù có thể thực hiện được một số kỹ thuật chuyên môn nhưng máy móc không có nên trong nhiều trường hợp, bệnh nhân nhập viện phải chuyển lên tuyến trên.
Để cải thiện tình trạng bệnh nhân phải chịu cảnh “chêm”, “ghép” chỉ có một phương án duy nhất là mở rộng quy mô bệnh viện. Thực tế này ai cũng biết, tuy nhiên không thể nói là làm được, mà phải chờ chủ trương, phương án từ trên. Đối với người dân các huyện miền núi, đường sá xa xôi, đi lại hết sức khó khăn nên nhu cầu điều trị nội trú rất lớn. Các phương án bệnh nhân nằm chung giường, kê gấp đôi số giường trong phòng bệnh hay nhường cả phòng làm việc của bác sĩ cho bệnh nhân đều đã thực hiện nhưng vẫn không đủ đáp ứng. “Chúng tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế sớm có phương án mở rộng quy mô, chứ mang tiếng là bệnh viện khu vực mà quá tải đến hơn 200% thì không thể đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”, Thạc sĩ Tô Mười nói.
Đông A – Thùy Nhựt