Kỳ I: Định mệnh
Với nhan sắc quyến rũ trời cho cùng với những điệu vũ công lạ lẫm kết hợp với múa thoát y vũ, nữ điệp viên Mata Hari đã từng làm rúng động cả trời Tây.
Cái tên Mata Hari được mọi người nhắc đến là một điệp viên tình báo với sự thông minh và liều lĩnh. Tuy nhiên, có rất ít người biết rằng, tên thật của bà là Margaret Gertruda Zelle.
Margaret sinh ngày 7-8-1876 tại thành phố Leeuwarden của Hà Lan, là con gái duy nhất trong gia đình của người thợ làm nón có 4 con trai này. Công việc làm ăn của cha cô rất phát đạt. Gia đình cô có được cuộc sống thoải mái và hạnh phúc. Ngay từ nhỏ, M’greet (tên gọi thân mật của Margaret Zelle) đã tự chứng tỏ mình là một cô gái rất tinh tế và can đảm. M’greet luôn mặc những bộ quần áo rực rỡ đến trường và tỏ ra rất thích thú với những câu chuyện hư cấu về xuất thân quý tộc của mình. M’greet đôi khi còn nói với bạn bè rằng, mình sống trong một lâu đài tráng lệ. Mặc dù bạn bè của cô tỏ ra nghi ngờ những câu chuyện này chỉ là tưởng tượng, nhưng M’greet vẫn nổi tiếng. Các giáo viên cũng yêu thích M’greet vì cô rất thông minh, luôn chứng tỏ mình đặc biệt hơn những bạn khác và đặc biệt là trong khả năng tiếp thu ngôn ngữ.
 |
Margaret quyến rũ với những điệu nhảy phương Đông. |
Thảm kịch xảy đến với gia đình khi M’greet lên 13 tuổi. Lúc đó, người cha Adam Zelle bị phá sản vì chơi chứng khoán. Sau khi bán hết tài sản, gia đình M’greet chuyển đến sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở khu phố nghèo. Ông Adam sau đó đến Amsterdam để thử vận may. Người mẹ Antje vì quá buồn rầu mang bệnh nặng rồi qua đời khi M’greet mới 15 tuổi. M’greet suy sụp tinh thần. Ông Adam trở về dự lễ tang vợ nhưng không cho các con biết. Thay vào đó, ông nhờ những người thân trong gia đình nuôi các con. M’greet được ông chú đem về nuôi tại thị trấn nhỏ ở Sneek. Cô gái lớn lên rất xinh đẹp. Cuộc sống nơi tỉnh lẻ nghèo nàn làm cô ghê sợ. Người cha nuôi muốn cô học nghề nuôi dạy trẻ. Nhưng, cô mơ ước phiêu lưu, muốn đến nhiều nước xa xôi.
Cái ý nghĩ thoát khỏi vùng quê nghèo nàn ngày càng thôi thúc Margaret. Một lần đọc một tờ báo kết bạn trăm năm, cô thấy có một đại úy quân đội Hàn Lan là Rudolf Macleod, 38 tuổi muốn tìm vợ. Macleod, người gốc Scotland là một người đàn ông cao to, vạm vỡ nhưng lại nghiện rượu nặng. Ông ta già hơn rất nhiều so với tuổi và còn bị bệnh tiểu đường và bệnh thấp khớp. Vì vấn đề sức khỏe, quân đội Hà Lan quyết định cho ông ta về công tác tại quê nhà. Mặc dù không phải là người đăng quảng cáo tìm vợ (mà do một người bạn của ông ta), nhưng MacLeod vẫn muốn gặp cô gái trẻ Margaret Zelle. Tuy vẫn còn có nhiều khác biệt nhưng cả hai nhanh chóng say mê nhau. MacLeod cầu hôn và Margaret háo hức đồng ý. Ngày 11-7-1895, cả hai tổ chức đám cưới và ngày 30-1-1897, bé trai đầu lòng ra đời được đặt tên Norman John.
Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười Margaret. Anh chồng là người hẹp bụng, tàn bạo và vẫn không thể bỏ được những thói hư tật xấu cũ, vẫn luôn say mèm và luôn trở về nhà lúc nửa đêm. Margaret đã làm hết sức mình để vừa chu toàn việc nhà, nuôi con và đối phó với người chồng nghiện rượu, lăng nhăng và luôn ghen tuông quá mức. MacLeod thậm chí còn “thượng cẳng chân” với Margaret khi cô đang mang thai được vài tháng chỉ vì ghen. MacLeod sau đó quyết định chuyển đến Java (thuộc Indonesia hiện nay) vì ông ta phải đóng quân tại đây. Margaret đã rất vui mừng vì hy vọng việc thay đổi nơi ở này sẽ đem lại nhiều may mắn và vì cô cũng từng rất mong được đến Java.
Margaret thật sự thích thú với cuộc sống mới ở Java. Tuy nhiên, những mâu thuẫn cũ vẫn ráo riết theo họ đến ngôi nhà mới. MacLeod vẫn chứng nào tật nấy và ngày càng tàn bạo hơn. Ngày 2-5-1898, Margaret sinh hạ bé gái Jeanne Louise. Một năm sau, MacLeod được lệnh điều quân đến Medan, đảo Sumatra. Là vợ của chỉ huy, nhiệm vụ của Margaret là tổ chức các bữa tiệc xa hoa cho các binh sĩ vui chơi. Trong những bữa tiệc này, Margaret luôn trông như “nữ hoàng thời trang” quyến rũ trong những điệu nhảy hoang dã ở Java và Sumatra. Sự nghiệp của MacLeod thăng hoa qua từng điệu nhảy nổi tiếng của Margaret. Ông ta rất tự hào và biết ơn vợ. Tuy nhiên, hạnh phúc đến muộn của họ bỗng sụp đổ trong đêm kinh hoàng ngày 27-6-1899: một người lao công trong căn cứ quân sự MacLeod vì quá bực tức đến tuyệt vọng đã đầu độc các con ông ta. Bé trai Norman chết, bé gái Jeanne được cứu thoát.
Từ đó, cuộc sống hôn nhân của Margaret và MacLeod dần đi vào bế tắc. Bản thân Margaret cũng không thể thoát khỏi tay chồng. Năm 1903, cô chạy sang Châu Âu, để con gái cho chồng nuôi.
Thanh Văn
(Theo Trutv)
Kỳ II: Mata Hari ra đời