Biểu tình tấn công Đại sứ quán Thụy Điển tại Iraq
Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã có thông báo chính thức, cho biết các nhân viên đại sứ quán đều đã được an toàn, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Iraq có trách nhiệm bảo vệ các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại nước này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq ngay lập tức đã bày tỏ lên án hành động trên của những người biểu tình, đồng thời cho biết đã triển khai lực lượng an ninh để ổn định tình hình, cũng như nhanh chóng làm rõ vụ việc, xác định các đối tượng có hành vi quá khích và buộc những người này chịu trách nhiệm pháp lý.
Ngày 19-7, hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin cảnh sát Thụy Điển đã cho phép một buổi tụ tập công khai bên ngoài Đại sứ quán Iraq tại Stockholm vào ngày 20-7. TT cho biết hai trong số những người tham gia sẽ có hành động đốt Kinh Koran và cờ Iraq, trong đó một người được cho là Salwan Momika - đối tượng đã thực hiện vụ đốt kinh hôm 28-6. Theo nội dung trên Telegram do một nhóm ủng hộ Giáo sĩ dòng Shiite Moqtada Sadr đăng tải, cuộc biểu tình mới nhất này tại Baghdad được thực hiện sau lời kêu gọi vào tháng trước của Giáo sĩ Sadr, nhằm phản đối việc đốt kinh Koran được cho là sẽ diễn ra vào ngày 20-7 tại Thụy Điển.
Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đã đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28-6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo đã bày tỏ phản đối vụ việc trên. Ngày 2-7, Chính phủ Thụy Điển đã có tuyên bố chính thức lên án vụ đốt kinh Koran bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm, đồng thời coi đây là hành động "bài Hồi giáo" và khẳng định Thụy Điển hay châu Âu nói chung không ủng hộ những hành động như vậy.
T.N