Căng thẳng leo thang ở Libya

Thứ hai, 08/04/2019 08:20

Quân đội của tướng Haftar phát động cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli đúng thời điểm Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đến thăm thành phố trước thềm một hội nghị về Libya, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Hình ảnh từ trên cao cho thấy, xe quân đội trên một con đường ở Libya. Ảnh: Reuters

Bất chấp những lời kêu gọi của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, những cuộc giao tranh giữa các lực lượng chống đối ở Libya tại thủ đô Tripoli vẫn diễn ra ác liệt và chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở miền tây Libya vốn được LHQ hậu thuẫn đã mở các cuộc không kích liên tiếp trong đêm 6-4 (giờ địa phương) để cố gắng ngăn chặn lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến vào thủ đô Tripoli, làm dấy lên lo ngại có thể đẩy quốc gia Bắc Phi này trở lại cuộc nội chiến toàn diện.

Kể từ khi chế độ Tổng thống Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011, Libya đã rơi vào hỗn loạn với việc hình thành nhiều lực lượng dân quân, cũng như 2 lực lượng tranh nhau quyền lãnh đạo đất nước: GNA ở miền tây của Thủ tướng Fayez al-Serraj được quốc tế công nhận và LNA ở miền đông của tướng Haftar.

Nguy cơ nội chiến ác liệt

Căng thẳng bùng nổ ở Libya sau khi tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu LNA - ra lệnh cho các lực lượng của mình tiến vào Tripoli vào hôm 4-4. Hành động này được cho là đã đẩy cuộc xung đột với chính quyền được quốc tế công nhận ở Tripoli lên một nấc tháng mới hết sức nguy hiểm. 

Hiện tình hình trên thực địa đang diễn biến hết sức phức tạp. Các lực lượng của tướng Haftar đang tiến về Tripoli và đã thông báo với các lực lượng đang kiểm soát thủ đô của Libya rằng, một là giao nộp vũ khí và đầu hàng hoặc ở yên trong nhà. Các lực lượng từ miền đông hiện đã áp sát Tripoli. Lực lượng này sau đó tuyên bố kiểm soát Sân bay Quốc tế Tripoli cũ ở ngoại ô phía nam thủ đô nước này. Ngoài sân bay nói trên, lực lượng quân sự miền đông cũng nắm quyền kiểm soát Tarhouna và Aziziya, 2 thị trấn gần thủ đô Tripoli. Trong ngày 6-4, lực lượng này tiếp tục tuyên bố giành quyền kiểm soát sân bay chính của thủ đô Tripoli. Trong một bài đăng tải trên mạng, bộ phận truyền thông của tướng Haftar nhấn mạnh đã kiểm soát hoàn toàn sân bay quốc tế Tripoli và đang nỗ lực bảo vệ cơ sở này. Họ cũng công bố nhiều hình ảnh binh sĩ tiến vào trong sân bay này, nói rằng “chúng tôi đang đứng ở trung tâm của sân bay quốc tế Tripoli”.

Thủ tướng Fayez al-Serraj cáo buộc tướng Haftar “phản bội”, xem cuộc tấn công là hành động đảo chính nhằm gây mất ổn định quốc gia, đồng thời ra lệnh đáp trả mạnh mẽ. Theo AFP, không quân của chính phủ tấn công lực lượng của tướng Haftar. Một nguồn tin quân đội chính phủ cho biết: “Các máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ không quân Misurata (cách Tripoli 200km về phía đông) và mở 3 vụ không kích nhằm vào quân đội của tướng Haftar tại 2 địa điểm ở phía nam Tripoli”. Theo nguồn tin, hoạt động không kích này nhằm vào các kho thiết bị của LNA, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về số người thương vong. Chiến sự diễn ra ác liệt khi trong ngày 7-4, các lực lượng trung thành với tướng Haftar mở cuộc không kích đầu tiên nhằm vào một khu vực ngoại ô của thủ đô Tripoli.

LHQ, Mỹ và Châu Âu vào cuộc

Nguy cơ về một kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến năm 2011 đang diễn ra tại Libya khiến quốc tế lo ngại, kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Tổng thư ký Guterres hối thúc các bên tham chiến ở Libya không để căng thẳng leo thang. Phát biểu với báo giới tại Tripoli, ông Guterres cho rằng không nên có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Libya và các bên cần giảm căng thẳng. LHQ cũng chính thức thông báo về một hội nghị với sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở Libya, vốn dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 ở miền tây Libya, nhằm vạch ra lộ trình hướng tới các cuộc bầu cử qua đó giúp quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài suốt nhiều năm qua kể từ cuộc nổi dậy hồi năm 2011. Hội nghị quốc gia Libya cũng nhằm ấn định thời gian diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống ở Libya. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, hội nghị khó có thể diễn ra theo kế hoạch nêu trên dù Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame khẳng định, hội nghị vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Các nước Châu Âu cũng vào cuộc mạnh mẽ, kêu gọi các bên kiềm chế. Các quan chức EU cảnh báo, sự bất ổn ở Libya có thể kích hoạt một dòng người di cư và người tị nạn mới đến Châu Âu. Trong khi đó, quân đội Mỹ ngày 7-4 cũng đã thông báo tạm thời rút một số lực lượng khỏi Libya do lo ngại bạo loạn gia tăng.

KHẢ ANH