Chiến sự bùng nổ giữa Armenia - Azerbaijan

Thứ hai, 28/09/2020 09:00

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã nổ ra hôm 27-9 xung quanh khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, trong đó Armenia cáo buộc nước láng giềng mở chiến dịch tấn công nhắm vào các khu định cư dân sự.

Hình ảnh này được lấy từ một đoạn phim do Bộ Quốc phòng Armenia công bố ngày 27-9, cho thấy, các lực lượng Armenia phá hủy phương tiện quân sự của Azerbaijan tại khu vực Nagorno - Karabakh. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các bên xung đột ở khu vực Nagorno - Karabakh ngừng bắn “ngay lập tức”. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, tình hình xung đột trong khu vực Nagorno-Karabakh đã xấu đi nghiêm trọng, Azerbaijan và Armenia đều mở những trận pháo kích dữ dội và ghi nhận thương vong. Thông tin về vụ đụng độ mới nhất này vấp phải phản ứng chỉ trích gay gắt  từ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Azerbaijan. Phát ngôn viên đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik viết trên Twitter: “Chúng tôi kịch liệt lên án cuộc tấn công của Armenia vào Azerbaijan. Armenia từng có các hành động khiêu khích, phớt lờ luật pháp”. Ông cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về phía Azerbaijan và nói, “Armenia đang đùa với lửa và gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực”.

Armenia tuyên bố tổng động viên

AP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, quân đội nước láng giềng đã tấn công dân thường ở vùng Nagorno - Karabakh và kêu gọi người dân trong vùng tranh chấp này tìm nơi trú ẩn. Theo nguồn tin từ bộ này, quân đội Armenia đã bắn rơi 2 máy bay trực thăng và 3 máy bay không người lái của Azerbaijan để đáp trả cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ cùng khu định cư dân sự ở Nagorno - Karabakh. Người phát ngôn bộ này Shushan Stepanyan cũng nói thêm, lực lượng Armenia đã bắn trúng 3 xe tăng của Azerbaijan và nhấn mạnh sẽ đáp trả tương xứng.

“Phản ứng của chúng tôi sẽ tương xứng và giới lãnh đạo quân sự-chính trị Azerbaijan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình này”, Bộ Quốc phòng Armenia nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 27-9. Bộ Ngoại giao Armenia ngay sau đó cũng lên án “hành động gây hấn của các lãnh đạo quân sự-chính trị Azerbaijan”, đồng thời cảnh báo phía Armenia sẽ đưa ra biện pháp quân sự và chính trị thích hợp để đáp trả. “Chúng tôi luôn kề vai sát cánh cùng quân đội để bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược từ Azerbaijan”, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trên Twitter.

Chính phủ Armenia đã thiết quân luật, tuyên bố tổng động viên để huy động lực lượng. “Đồng bào thân mến, bây giờ, theo quyết định của chính phủ, thiết quân luật và tổng động viên được tuyên bố ở Armenia. Tôi kêu gọi tất cả nhân viên đến các văn phòng tuyển dụng”,  ông Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nêu rõ.

Azerbaijan tố ngược Armenia

Azerbaijan bác bỏ những tuyên bố rằng xe tăng của họ đã bị bắn trúng và chỉ xác nhận một trực thăng đã bị bắn rơi nhưng phi hành đoàn sống sót. Tuy nhiên, Tổng thống nước này, ông Ilham Aliyev đã nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia rằng “có tổn thất giữa các lực lượng Azerbaijan và dân thường do hậu quả của cuộc bắn phá Armenia”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, xung đột bùng phát bằng một cuộc tấn công của Azerbaijan, nhưng phía quốc gia láng giềng nói rằng chính Armenia đã tấn công và Azerbaijan đã phản công trả đũa. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan, họ đã mở tiến hành chiến dịch quân sự dọc theo “đường liên lạc” - một vùng đất trống với các bãi mìn được cài dày đặc nhằm ngăn chặn đụng độ giữa lực lượng được Armenia hậu thuẫn và quân đội Azerbaijan trong khu vực.

Nagorno-Karabakh là vùng đất của người Armenia thuộc Azerbaijan, nhưng nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Azerbaijan kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1994. Người dân tộc thiểu số Armenia ở Nagorno-Karabakh đã tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột bùng nổ vào thời điểm Liên Xô tan rã hồi năm 1991, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng cả hai thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới hai bên.

Cả hai bên đều có sự hiện diện quân sự dày đặc dọc theo một khu phi quân sự ngăn cách khu vực này với phần còn lại của Azerbaijan. Các nỗ lực quốc tế để giải quyết xung đột đã bị đình trệ và các cuộc giao tranh thường xuyên nổ ra. Và những vụ đụng độ biên giới gia tăng trong những tháng gần đây. Vào tháng 7, một trong những trận giao tranh bùng phát nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đã xảy ra khiến 16 người của cả hai bên thiệt mạng.

KHẢ ANH