Chọn trường, chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực
Cùng với việc tập trung hướng dẫn HS ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã học, việc hướng dẫn, tư vấn HS trong việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường và niềm đam mê được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh rất quan tâm.
Theo đó, đối với HS năm cuối cấp bậc THCS, chọn trường nào để đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường THPT công lập phù hợp với khả năng, lực học của từng HS là vấn đề làm “đau đầu” không ít HS cũng như phụ huynh. Là người từng có con đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT cách đây 2 năm, chị H.Tư (trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ suy nghĩ: “Dựa vào sức học của con và từ chỉ tiêu tuyển sinh của trường mà con tôi muốn học, gia đình tôi khuyên cháu cứ tự tin, mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Châu Trinh. Ban đầu cháu cũng phân vân, sợ điểm chuẩn sẽ cao hơn so với năm trước nên chưa tự tin lắm. Chúng tôi không ép nhưng phân tích cho cháu thấy được năng lực thực sự của mình, để sau này không phải nuối tiếc nếu điểm thi đủ đỗ vào trường cháu thích. Từ đó, chúng tôi đã giúp cháu tự tin, mạnh dạn đăng ký và quyết tâm, nỗ lực hơn trong học tập. Cháu đã đỗ vào Trường THPT Phan Châu Trinh, hiện đang học năm cuối THPT, chuẩn bị đăng ký tuyển sinh vào ĐH”.
Từ câu chuyện con mình, chị Tư cho rằng, việc tư vấn định hướng cho con trẻ khi làm hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 rất quan trọng. Theo đó, không nên tạo áp lực, buộc con phải đăng ký theo nguyện vọng của cha mẹ, mà cần dựa vào thực lực học tập của con trẻ để tư vấn, định hướng chọn trường vừa sức con trẻ. Thực tế cho thấy, có không ít phụ huynh với tâm lý sợ con trượt cả hai nguyện vọng vào các trường THPT công lập đã chọn sự an toàn, cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường tốp giữa, nguyện vọng 2 vào các trường thuộc top dưới dù với sức học của con, có thể đăng ký vào trường mà cả con và cha mẹ đều mong ước. Đến khi có kết quả thì tỏ ra tiếc nuối…
Đối với HS lớp 12 THPT, song cùng với hoàn tất chương trình học và tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, điều các em quan tâm hơn cả là chọn ngành, chọn trường nào để đăng ký hồ sơ tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng. Theo ông Trần Đình Khôi Quốc- Trưởng Ban đào tạo Đại học Đà Nẵng, trong quá trình làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh (trong đó có các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng- P.V), các thí sinh thường xuyên cập nhật web của trường mà mình có nguyện vọng đăng ký xét tuyển để cập nhật thông tin. Đơn cử, năm 2022, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng có 5 phương thức tuyển sinh (Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng), trong đó mỗi phương thức có cách cách đăng ký khác nhau, nơi nộp hồ sơ khác nhau. Quy tắc đăng ký của các trường cũng khác nhau như có nơi cho thay đổi nguyện vọng, có nơi không…
Với nhiều phương thức xét tuyển như: tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, xét tuyển thẳng, xét tuyển theo học bạ, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực: Đại học Quốc Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và xét tuyển theo phương thức riêng của từng trường, cơ hội đỗ vào một trường ĐH nào đó không quá khó đối với mỗi HS năm cuối cấp THPT. Điều quan trọng hơn cả đó là chọn trường, chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường của bản thân để không phí thời gian, tiền của của gia đình.
Xin mượn lời của H.T.L (đề nghị viết tắt tên)- cựu SV học kinh tế, nhưng ngay khi vừa tốt nghiệp đã quyết định đi học nghề yêu thích: make-up- để kết thúc bài viết này: “Em thích được làm đẹp cho đời, nhưng vì sĩ diện gia đình và bản thân (L. vốn học trường chuyên) nên em đăng ký dự thi vào ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Sau khi có bằng tốt nghiệp ĐH để gia đình, họ hàng hài lòng, em quyết định học nghề mình đam mê. Bởi có đam mê thì dù khó khăn đến mấy mình cũng sẽ vượt qua và thành công. Em không thấy tiếc 4 năm học đại học, vì kiến thức học được chắc chắn sẽ giúp cho em rất nhiều trên con đường lập thân. Tuy nhiên, nếu có lời khuyên với các bạn trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, em vẫn khuyên các bạn lớp 12- đặc biệt những bạn gia đình có hoàn cảnh không khá giả nên chọn ngành, nghề, trường phù hợp với đam mê, sở trường và năng lực bản thân để không phí phạm thời gian, tiền của… Việc học là suốt đời. Và ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất”.
Khánh Yên