Chuyện dạy họcở đại ngàn Trường Sơn

Thứ năm, 17/11/2022 15:06
Tháng 11 này lên đại ngàn Trường Sơn (Tây Giang, Quảng Nam), lại bùi ngùi khi đượcnghe những câu chuyện xúc động về tấm lòng của những người gieo hạt nơi đây. Dù trước đó đã nghe không biết bao lần...
Cô giáo Hà hướng dẫn 2 em nhỏ Cơ Tu ở thôn Aunr nằm giữa rừng nguyên sinh ra học bán trú viết chữ.
Cô giáo Hà hướng dẫn 2 em nhỏ Cơ Tu ở thôn Aunr nằm giữa rừng nguyên sinh ra học bán trú viết chữ.

Thầy giáo Trương Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học phổ thông dân tộc bán trú xã A Vương nói với chúng tôi: “So với các thầy cô giáo ở huyện vùng cao biên giới Tây Giang này thì trường chúng tôi là “sướng” nhất rồi đấy…”. Cái “sướng” như thầy nói là dù trường nằm ở huyện biên giới, nhưng xã A Vương lại ngay bên cạnh đường Hồ Chí Minh thuận tiện cho việc đi lại… Nhưng hỏi ra mới hay, A Vương còn có những thôn như Aunr nằm giữa rừng nguyên sinh, phải đi bộ cả ngày đường mới ra đến trung tâm xã. Những thôn như Lgôm, Tà ghê, A Bát nếu mưa xuống là tắc đường vì suối ngập sâu, cũng chỉ đi bộ, nhanh thì vài tiếng, còn không cũng mất nửa ngày… Đấy là con đường đi dạy của các thầy cô giáo “cắm bản”, là đường đi học của các em học sinh (HS) tới trường. Vậy mà thầy Hồng bảo, trường thầy “sướng” nhất rồi, khiến tôi lăn tăn, chưa hiểu “sướng” ở chỗ nào!
Thầy Hồng năm nay 50 tuổi, có hơn 27 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện miền núi biên giới Tây Giang này. Thầy kể, cách đây 5 năm, thầy dạy ở xã Ga Ry - một trong những xã xa xôi nhất của Tây Giang, giáp đường biên giới Việt-Lào. Chúng tôi cũng đã từng lên các xã biên giới ở Tây Giang vào nhiều năm trước, đã đi trên những con đường biên giới mà người ta bảo chỉ dành cho các chiến sĩ Biên phòng và các thầy cô giáo…với những con dốc cao hun hút, nắng như táp lửa vào mùa khô; những dòng suối nước ngập tràn cuốn trôi tất cả, kể cả con đường vào mùa mưa… Đấy là con đường mà thầy Hồng cùng biết bao thầy cô giáo thường đi để mang con chữ đến cho trẻ thơ và bà con các dân tộc vùng biên cương này. Ngành Giáo dục ở Tây Giang đã ghi vào lịch sử chuyện thầy giáo Tuấn dạy ở xã A Xan cứu hàng chục người dân khi vượt suối A Banh rồi bị nước cuốn trôi. Thầy Tuấn được phong tặng danh hiệu Liệt sỹ vào năm 2006… Xa xôi cách trở thế, qua tuổi tứ tuần, thầy Hồng mới lập gia đình, vợ thầy cũng là cô giáo ở dưới quê Tam Kỳ, cách Tây Giang hơn 200 km. Vợ chồng thầy 3 - 4 tháng mới gặp nhau một lần, đến bây giờ vẫn chưa sinh được đứa con nào. Vậy mà thầy bảo thầy sướng…!

Gọi là trường Trung tâm bán trú, nhưng A Vương có 8 thôn, vẫn còn tới 7 thầy cô giáo “cắm bản” ở 7 thôn. Nếu như năm học trước thôn Aunr nằm giữa rừng nguyên sinh vẫn còn thầy cô cắm bản để dạy học tại điểm trường thôn, thì năm học mới này chỉ còn 2 em nhỏ vào lớp 1 nên điểm trường không mở. 2 em học sinh lớp 1 A Lăng Hiếu và A Lăng Huy được thầy cô, cha mẹ cõng ra ở bán trú tại trường Trung tâm. Vừa dạy học vừa chăm sóc 2 em là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà. Cô Hà kể, những ngày mới nhập trường, 2 đứa trẻ khóc ầm ĩ đòi về nhà. Khổ thân cô, 2 tay bồng 2 đứa dỗ dành, rồi thì đút cơm, tắm rửa thay quần áo, canh chừng lúc chúng ngủ có đạp chăn ra không, kẻo lăn ra ốm lại khổ nữa…

Không chỉ riêng 2 em nhỏ ở thôn Aunr, trường có 115 em từ lớp 1 đến lớp 4 ở bán trú, hết giờ lên lớp, các thầy cô lại xoay trần ra lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các em. Dòng sông A Vương ngày thường nước trong xanh, êm ả lững lờ trôi, vậy mà chỉ cần một đợt mưa bão đến lại sôi sùng sục đục ngầu, ầm ầm chảy, ngập lút sâu mấy mét hơn 1km đường Hồ Chí Minh sát trường, giao thông tê liệt. Sau lũ, thầy cô lại lần về từng thôn làng để đưa đón từng em HS tới trường, nhường từng bó rau, miếng thịt cho các em học sinh.

Hôm chúng tôi lên A Vương vào ngày đầu tháng 11, gặp thầy Bríu Mười phụ trách lớp dạy ghép 1-2 ở thôn A Bát, cách trường trung tâm hơn 20km. Sau đợt mưa lũ ảnh hưởng cơn bão số 5, đường vào thôn A Bát bị sạt lở nặng nên đã 3 tuần HS trong thôn không ra được trường trung tâm. Vậy là, vừa phải đảm nhận điểm trường “cắm bản”, thầy Mười còn kiêm luôn nhiệm vụ đưa đón các em HS lớp lớn vì “không thể để các em tự đi đến trường, lỡ xảy ra tai nạn thì ân hận không kịp” - thầy Mười tâm sự với chúng tôi như thế. Cùng cảnh với thầy Mười, thầy Ploong Ai dạy điểm trường thôn LGôm cứ sau mỗi đợt mưa bão, lại làm thêm nhiệm vụ vận động người dân đưa con em tới trường. Thầy Ai cho biết, học trò ở bán trú, những đợt mưa lũ có khi cả tháng trời không gặp cha mẹ nên nhiều em được về nhà không muốn đến trường nữa. Vì thế, lại phải vận động cha mẹ HS, các thầy đưa đón từng em tới trường.

Vùng miền núi biên giới xa xôi, cách trở vẫn còn rất nhiều gian khó, vậy mà thầy Hồng cho biết, các thầy cô giáo ai cũng yêu nghề, yêu trẻ, chẳng ai phàn nàn một chút nào. Chúng tôi hỏi, sắp đến ngày 20-11, chắc các thầy cô sẽ nhận được nhiều hoa lắm. Thầy Hồng bảo, nụ cười,tiếng hát rộn ràng của bầy trẻ thơ người Cơ Tu giữa sân trường nơi đại ngàn Trường Sơn này chính là những bông hoa đẹp nhất của chúng tôi.

Hồng Thanh