Cờ của ta đẹp nhất thế giới!
(Cadn.com.vn) - “Các bạn! Có lúc nào các bạn ngồi ngắm cờ của nước bạn không?”, câu hỏi của Đại tá Nguyễn Trần Thiết, một người tự nhận là “mới 85 tuổi” hẳn khiến không ít người trong chúng ta bỡ ngỡ, giật mình...
|
Suốt đêm 29-4-1975 chúng tôi không ngủ. Ai cũng tin là ngày đại thắng đã đến gần. Khoảng 4 giờ ngày 30-4-1975, chúng tôi ra xe. Có lệnh phát rất rõ: Không phải ngụy trang xe, tất cả mọi xe đều cắm cờ... Không để một chiến sĩ nào đi bộ”. Báo cáo: Chúng tôi không mang cờ đỏ sao vàng. Chỉ có cờ của Chính phủ lâm thời thôi”. Cờ to hay nhỏ? Có là người trong cuộc mới thấy hết giá trị của những chiếc xe mang cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mới hôm qua, ngày 29-4-1975, tất cả các xe của ta đi trên đường đều phải gài, phải cắm lá ngụy trang. Phải chặt cành cây to, biến chiếc xe của mình thành cây cổ thụ không chỉ đánh lừa máy bay địch mà còn không cho bọn biệt kích thám báo ngụy phát hiện. Là nhà báo, mang cấp Thiếu tá (được phổ biến những bí mật của chiến dịch) tôi không biết có lệnh lo đủ 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch đều đi xe. Xe nối đuôi nhau đứng chật kín đường đi, dài ước độ vài ki-lô-mét, xe nào cũng cắm cờ. Cờ may đồng loạt nên giống nhau: cờ chéo dài khoảng 30cm, lác đác có cờ hình chữ nhật to khoảng 50cm. Cũng có xe treo cờ đỏ sao vàng nhưng không nhiều. Quả là rất đẹp, quá oai nghiêm. Trải qua bao nhiêu năm chờ đợi mới có ngày hôm nay. Trên trời không có tiếng máy bay. Gió mạnh. Tốc độ xe chạy khiến những lá cờ tung bay rất hào hứng. Đứng trên thùng xe, lấn nhau, chen chúc nhau. Không ai mang theo ba lô, tư trang vẫn không có chỗ ngồi. Điều đó không quan hệ. Được đứng chật ních như nêm trên thùng xe có cắm cờ, sao hãnh diện quá, tự hào quá. Có lệnh xuất phát. Chúng tôi được phát mỗi người 3 kg lương khô với quy định sẽ ăn trừ bữa trong vài ngày. Xe của các nhà báo được ưu tiên đi sau Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Trưởng phòng tuyên huấn báo cáo Chính ủy Đặng Vũ Hiệp:
- Thưa anh! Dương Văn Minh đã đầu hàng.
- Cậu nghe tin từ đâu?
- Báo cáo Chính ủy, tôi đã thu vào băng. Mời anh nghe.
Biết rõ trắng đen, tôi chủ động: “Xin phép anh cho chúng tôi vào thẳng Dinh Độc lập”.
- Anh Thiết biết rõ mục tiêu cuối cùng của Quân Đoàn III là sân bay Tân Sơn Nhất. Dương Văn Minh đã đầu hàng. Anh đến sào huyệt của quân ngụy là đúng. Cậu Minh (Thượng úy), cậu Sinh (Trung úy - đều là phóng viên Quân đoàn III) ai đi với phóng viên báo Quân đội?
Không nghe trả lời, Chính ủy tỏ vẻ rộng lượng:
- Các cậu không muốn nhả miếng mồi quá ngon à? Thôi được, mình ủng hộ các Nhà báo của Quân đoàn. Chúc anh Thiết, Minh, Sinh và cậu Sớm thành công.
Rời Củ Chi, đồng chí Sớm, phóng viên xưởng phim Quân đội bấm máy lia lịa. Đồng bào kéo ra đường ngày một đông, ai cũng vẫy cờ, nét mặt tươi rói. Tôi phát hiện thấy cờ không giống nhau. Tại sao? Thành ủy viên Trương Mỹ Lệ cho biết: “Ngày 28-4-1975, nhiều người dân chưa trông thấy cờ của Việt cộng. Đêm 28-4, các cơ sở bí mật được phép phổ biến cho dân: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trốn khỏi nước, giao quyền cho ông già lẩm cẩm Trần Văn Hương. Hương xin giữ cương vị Tổng thống một tuần, đang lo thủ tục bàn giao cho Dương Văn Minh. Thời cơ toàn thắng của Chính phủ đã đến rồi. Chúng ta nên mặc quần áo đẹp, không hở hang và mỗi người cầm một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh”.
Do không hỏi kích thước cờ và không ai dám ra chợ mua nguyên liệu quốc cấm nên bất cứ trong nhà có vải, lụa, nhiễu, giấy, ni-lông... có màu đỏ, màu vàng đều đem ra dùng. Do không ai nhìn thấy cờ nửa đỏ, nửa xanh như thế nào, màu xanh gì nên bất kỳ ai ở nhà có xanh công nhân, xanh lá mạ, xanh da trời, xanh thẫm... đều đưa ra làm cờ. Ai muốn may đỏ trên xanh dưới hay xanh trên, đỏ dưới đều tùy ý. Lẻ tẻ có cờ vuông, cờ tròn, cờ chéo, cờ chữ nhật trông thật sướng mắt. Chả hiểu ai đưa ra đánh giá “Cờ của lòng dân” thật xúc tích, rất có ý nghĩa, đầy sáng tạo. Tuy không được hướng dẫn trước nhưng ai cũng để ngôi sao vàng to nhỏ khác nhau ở giữa cờ. Hầu hết đều xếp cờ ngang nhưng cũng có cờ xếp hàng dọc xanh phải, đỏ trái hoặc ngược lại đỏ phải, xanh trái cũng chả sao. Có một chuyện trước đây tôi chỉ nghe nói đến bây giờ tôi đã chính mắt mình thấy. Để chứng tỏ là gia đình mình không còn trung thành với chế độ cũ, chủ nhà dùng sơn quét cờ ngụy (có 3 sọc vàng, 3 sọc đỏ) trên mái nhà. Tôi nói với nhà quay phim “Sớm nhớ quay cảnh chủ nhà dùng sơn đỏ bôi cờ ngụy”. Sớm cười đáp: “Em thú vị quá! Cảnh này không lặp lại đâu”.
Sung sướng quá! Trước đây hơn một ngày, chính những người vẫy cờ hồ hởi chào đón đoàn quân giải phóng chưa một lần trông thấy bộ đội Việt cộng ốm yếu, gầy còm đến mức 7 người bám mà cành đu đủ không gãy như tướng ngụy phổ biến, xuyên tạc. Nhân dân tươi cười. Dù biết cờ mình không giống mẫu vẫn phất cao, vỗ tay hoan hô. Các gia đình cơ sở do biết trước nên đã trưng cờ đỏ sao vàng to, lồng cán tre bóng lộn.
Các bạn! Có lúc nào các bạn ngồi ngắm cờ của nước bạn không? Tôi không thiên vị, vơ vào, nói lấy được để khen cờ ta. Gần đây, tôi ngắm cờ các nước ASEAN. Tôi rất muốn các bạn cùng chiêm ngưỡng đặc biệt là thể thao. Nhìn các vận động viên giành huy chương vàng, choàng cờ đỏ sao vàng chạy trên đường đua và đã khóc khi cờ của Tổ quốc được kéo lên rất cảm động. Các cổ động viên mặc áo có cờ ở trước ngực hay sau lưng đều không chê vào đâu được. Mời độc giả thử chọn cờ của bất cứ nước nào may thành áo xem! Cờ của họ nhiều màu quá hoặc đơn giản ở mức chỉ có vòng tròn tượng trưng là mặt trời nên các cổ động viên không đồng loạt may áo. Thú vị nhất là vận động viên cầu mây. Không hiểu tác giả nào có sáng kiến may thành khăn choàng đội đầu quá đẹp, quá độc đáo không nước nào bắt chước nổi.
Năm nay, tôi “mới” 85 tuổi. Ngày 19-8-1945, tôi là du kích được điều đi cướp chính quyền ở huyện, được trông thấy cờ đỏ sao vàng. 68 năm đã qua. Tôi ấp ủ nguyện vọng khen cờ ta đẹp. Điều đó khá dễ vì các bạn tôi đều ủng hộ. Cách đây gần 10 năm, tôi có nguyện vọng viết bài “Cờ đỏ sao vàng đẹp nhất Thế giới”.
Tôi tin ở mình. Tôi nghĩ là mình đã thành công.
Nguyễn Trần Thiết