Cô Sáu Minh
Hơn 40 năm làm CAX, rồi CA thôn, cho đến nay người “chiến sĩ” ấy đã về hưu nhưng các đối tượng hình sự từng gặp, từng nghe đến cô Sáu Minh đều phải e dè, khiếp sợ. Cô Sáu Minh có họ tên đầy đủ là Trần Thị Minh (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Cô Sáu Minh bây giờ. |
Cô công an đặc biệt
Tâm sự về mình, cô Minh cười tươi: “Cô mê cái nghề CA này từ nhỏ, thấy mấy chú CA bắt cướp cô thích lắm. Nhưng lúc đó nghèo đâu dám mơ cao đâu... Rồi cô đi học quân sự về, cái năm 1979, mấy cán bộ trên huyện thấy cô có tướng cao to, oai phong, mặt lại rắn rỏi, gan lì... nên động viên cô tham gia vào CA ở xã... Lúc đầu ngần ngại, nhưng vì cô thích làm CA nên cô giả đò đắn đo rồi gật đầu”. Công việc của một CA viên vốn đã vất vả với nam giới, nhưng cô Minh quá thích nghề nên “cho qua”. Địa bàn rất phức tạp, có nhiều đối tượng anh, chị “cộm cán”,... những ngày mới nhận nhiệm vụ cô lo lắm, nhưng rồi dần dần cô cũng quen và an ninh cũng đã dần được khắc phục.
Vụ án đầu tiên mà cô Minh lập công đó là vụ việc làm rúng động làng quê yên bình một thời: ông Nguyễn Huynh ra tay chém chết vợ mình trong đêm. Đến sáng khi người dân có mặt thì ông đang nằm bên xác vợ, máu chảy khắp sàn, cửa lại khóa trong, tay ông vẫn cầm con dao và dọa nếu ai dám bước vào thì sẽ “liều chết”. Lúc đó ai cũng sợ mất hồn, nhưng cô Minh lại một mình, tay không, đạp cửa xông vào, mạnh dạn tiến về phía kẻ sát nhân, ngồi nói chuyện để đánh lạc hướng, lợi dụng lúc sơ hở cô nhanh tay đoạt lấy con dao và tóm gọn kẻ thủ ác.
Một vụ khác: một đồng nghiệp của cô va chạm với một thanh niên ở xã, trong lúc xô xát đã rút súng bắn chết người đó. Tiếng súng vang xa khiến cả một sân vận động náo loạn. Cô Minh mau chóng trấn an người dân để giữ nguyên hiện trường và liều mình tiến về phía người đồng nghiệp vẫn đang cầm trên tay khẩu súng với vẻ mặt hoảng loạn. Cô mau chóng lấy khăn che mặt nạn nhân lại, rồi nói chỉ bị thương nhẹ thôi, anh ta chưa chết và thuyết phục hung thủ đưa vũ khí cho mình. Cầm được khẩu súng trong tay, cô mau chóng đẩy người đồng đội của mình vào chuồng gà để ẩn nấp vì biết nếu để người nhà tới thì sẽ đánh đến chết. Sau đó cô mau chóng ôm xác nạn nhân ra giữa đường, một mình chặn đầu xe tải lại để đưa đi cấp cứu.
Sau những vụ án “liều mình” vì an ninh của người nữ CA thôn, thanh niên trai tráng khắp nơi phải “kiêng dè”. Ngay cả những cu cậu “đầu xanh, tóc đỏ” quậy phá ở những trường đóng trên địa bàn thôn chỉ cần nghe thấy tên của cô Sáu Minh thì phải chạy “mất dép”.
Những phần thưởng tinh thần quý giá của cô CA “đặc biệt” |
Bắt tội phạm bằng “thùng bia”
Hơn 40 năm nhìn lại, cô Minh tâm sự: “Giờ nhìn lại thấy sao hồi đó cô liều ghê, không biết sợ chết là gì, cứ xông pha vào mấy nơi nguy hiểm không thôi. Nhưng bản chất của người CA là vậy rồi, vì an ninh thôi... Cô luôn tự nhủ với lòng, tội phạm cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới quay lưng với pháp luật thôi. Nên đôi khi không nên dùng vũ lực vì sẽ không có hiệu quả, phải cần kiên trì thuyết phục, giảng giải thì người ta sẽ hiểu ra rồi tự đi đầu thú”.
Một lần tuần tra đêm, cô Minh phát hiện tội phạm đang bị truy nã Trần Nhật Phước (Phước “ổi”) ngồi trong quán nước. Cô vờ như không biết, rồi tìm cách tiếp cận và nói chuyện vui vẻ với đối tượng. Còn Phước “ổi” thì không lạ gì với cái tên Sáu Minh vang danh khắp đất Tam Anh này. Biết được Phước nghiện rượu, bia, nên cô đã mưu trí rủ Phước qua quán đối diện để nhậu và trò chuyện. Tưởng cô là phụ nữ uống không được bao nhiêu, Phước đồng ý. “Hắn nói tôi CA mà “ren” biết nhậu. Tôi trả lời thì cũng được lai rai vài ly giải mỏi chứ. Sau đó hai cô cháu ngồi uống hết thùng bia “lun”, uống xong hắn say mềm, còn cô tỉnh bơ à... Hắn thú tội hết với cô. Hắn nói cô bắt hắn đi, hắn không trốn nữa đâu. Nhưng cô đâu bắt, cô nhẹ nhàng khuyên giải, cô nói để sáng mai cô chở ra đầu thú thì tội sẽ được giảm nhẹ hơn. Hắn nghe cô nói xong gục đầu xuống khóc”, cô Minh nhớ lại.
Thật vậy, bằng mưu trí và sự chân thành, cô Minh đã cảm hóa được một tội phạm đang lầm đường. Ngay sáng hôm sau, Phước cùng cô đến CAH đầu thú trên chiếc xe máy cà tàng của cô. Sau khi được trả tự do, Phước quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ đây, anh đang là một ngư dân siêng năng cần cù và cứ mỗi lần vào dịp lễ là anh lại mang chút quà đến thăm cô Minh, như để cảm ơn người mẹ thứ hai đã sinh ra cuộc đời của mình lần nữa.
Tâm sự tuổi “xế chiều”
Ở cái tuổi 60, cô Minh vẫn một mình trong căn nhà hiu quạnh. Căn nhà nhỏ, nằm bên QL1A, chẳng có gì ngoài chiếc xe máy cũ kỹ, có chăng thứ quý giá nhất là những tấm Bằng khen, những Huy chương là phần thưởng tinh thần ghi lại những đóng góp của cô với an ninh của thôn, làng.
“Giờ về hưu rồi, thấy cũng ngứa tay, ngứa chân ghê đó. Lúc còn đi làm, đi tối, về khuya, tuy cực mà có nhiều chuyện vui lắm. Cô chỉ mong đóng góp chút sức để gìn giữ được trật tự, như vậy là cô vui lắm... Đi tới đâu ai cũng thương mình, ai cũng gọi cô với cái tên Sáu Minh công an cô vui lắm”, cô Minh nhìn về nơi xa xăm, có lẽ cô đang nhớ về một thời chưa xa.
HOÀI SƠN