Điệp Sơn thủy đạo – con đường độc đáo nhất Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Mùa hè, đến đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thành, H. Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) để khám phá sự kỳ thú của tự nhiên và con người là xu hướng hiện nay của dân phượt. Điệp Sơn (hay còn gọi là Hòn Bịp) là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Địa danh này nổi bật và gây dấu ấn với khách du lịch bằng một con đường mòn kéo dài gần 800m nối giữa hai hòn đảo (hòn Quạ và hòn Ó) trong dãy đảo Điệp Sơn, có thể được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Khoảng 15 giờ hàng ngày, thủy đạo dần trơ ra con đường bằng cát biển và đá ngầm với đường kính khoảng hơn 10m. Con nước quyết định tốc độ xuất hiện của thủy đạo. Ban đêm di chuyển trên con đường này bàn chân sẽ phát sáng vì tảo biển bên dưới.
Cái nắng chói chang giữa mùa khô phần nào dịu mát bởi cơn gió biển nhẹ nhàng quanh núi Điệp. Khu vực này có 2 cảng biển: cảng Điệp Sơn và bến cảng tạm do một công ty du lịch mới mở. Người dân đi bắt ốc, bắt sò điệp, con xúc... vẫn thường đi qua lại giữa các đảo trên thủy đạo này. Các chuyến đò, ca nô của người dân và dịch vụ du lịch nối kết đất liền vẫn được thực hiện thường xuyên trong ngày. Suốt 41 năm qua, cầu cảng đã được xây dựng kiên cố hơn, hiện đại hơn. Người dân đã sinh sống được trên đảo từ 5-6 đời nay. Khu vực bờ biển có rất nhiều xương rồng nở hoa như phên giậu tự nhiên giúp che chắn gió cho các loại cây thấp nhỏ phía sau, vẫn thường là món ăn của người dân. Trên hòn Quạ, hòn Ó, không ai ở ngoài dân nuôi ngọc trai, nuôi hàu. Cư dân thôn Điệp Sơn vẫn thường dựa vào thủy đạo đi lại giữa các đảo nhằm bắt ốc, lượm củi... cải thiện cuộc sống. Thôn đảo Điệp Sơn có 84 hộ với hơn 400 dân. Tình hình ANTT nơi đây rất tốt. “Lấy trộm thì làm sao mà bán được, chỉ cần báo với công an viên trên đảo là không gì rời khỏi đảo được”–chị Oanh, một người dân trong thôn chia sẻ.
![]() |
Du khách đến với thủy đạo khi còn ngập nước. |
Chúng tôi theo chân ông Lanh đến “Trái tim ánh sáng” của đảo, nằm tại căn nhà tạm rộng chỉ vài mét vuông. Đó là một máy phát điện đã cũ kỹ, ám khói. Tại Điệp Sơn, điện chỉ có từ 18 – 21 giờ hàng ngày. Người trông coi công việc được tính công 25 ngàn đồng/đêm. Xăng dầu chạy máy nổ có nguồn thu từ sự đóng góp của người dân. Người dân dùng 2 bóng điện+1 tivi, mỗi tháng trả 120 ngàn đồng tiền điện. Một số ít dân cư trong vùng có máy phát điện phục vụ nhu cầu gia đình và du khách. Trước kia, người Điệp Sơn chỉ sống dựa lưng vào núi bằng nghề phát rẫy làm ngô, làm khoai mỳ. Nay đã có tàu cá đánh bắt gần bờ và nuôi trồng hải sản. Trên núi chỉ còn 1-2 hộ ở. Người dân không còn sống dựa vào núi rừng, chỉ còn đi biển và nuôi hải sản gần bờ. Khoảng gần 50 hộ dân có thuyền đi biển, dân cư còn lại bắt ốc, nấu sương sa. Bờ rạn quanh đảo trở thành đê bao tự nhiên ngăn nước biển xâm thực. Trước kia, khó quản lý vấn đề nổ mìn đánh bắt cá nhưng hiện nay tình trạng này không còn vì người dân đã thay đổi nhận thức về việc sử dụng chất nổ trong đánh bắt. Vì thế lượng cá biển đã ổn định lại, nguồn sống của người dân ngày càng được đảm bảo chắc chắn hơn.
![]() |
Ông Lanh trưởng thôn bên cạnh máy phát điện của đảo. |
Đặc sản giúp chống lại cái nóng trên Điệp Sơn là nước dừa, dễ say lòng người là quả ghẹo và làm mát du khách dưới những gốc bàng già. Một điều đặc biệt là nguồn nước ngọt không bao giờ thiếu trên đảo Điệp Sơn. Trước tình hình hạn hán, khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn, các hộ dân trên đảo vẫn sống vô tư với nguồn nước ngọt tự nhiên trên đảo. Các hộ gần biển thì có nhiễm mặn vào những lúc khô hạn nhất nhưng các hộ gia đình phía sau thường ít gặp, đảo hiếm có thời gian lâm vào tình trạng nhiễm mặn nguồn nước ngầm...
Màn đêm buông xuống, xóm làng Điệp Sơn lại chìm trong không gian bình yên. Khi bình minh thức giấc, Điệp Sơn lại lao xao đón chào những du khách ghé thăm.
Thành Công