EU thống nhất về giá trần khí đốt

Thứ tư, 21/12/2022 09:25
Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-12 đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 EUR/MWh nhằm kiềm chế giá khí đốt leo thang và ngăn chặn khủng hoảng năng lượng kéo dài.
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP

Biện pháp chấm dứt khủng hoảng năng lượng

Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Czech thông báo quyết định về mức giá trần khí đốt được thống nhất trong cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU diễn ra tại Brussels, Bỉ. Thỏa thuận được thông qua sau nhiều tháng chia rẽ giữa các nước thành viên về cách ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến khí đốt. Biện pháp này sẽ áp dụng từ ngày 15-2-2023, trong đó giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 EUR/MWh trong vòng ba ngày.

Đây được xem là biện pháp mới nhất, và cũng là khó đạt đồng thuận nhất, mà các nước thành viên EU đưa ra trong nỗ lực kiềm chế giá khí đốt, qua đó sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ m3 khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau. Giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, tăng hóa đơn của các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất. Để cố gắng hạn chế tác động của giá khí đốt cao với nền kinh tế, khoảng 15 quốc gia EU đã kêu gọi áp trần giá khí đốt trên toàn châu Âu. Giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức tương đối cao, dù đã giảm trong những tháng gần đây, khi EU nhất trí một số biện pháp khẩn cấp như nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông.

Mức giá trần 180 EUR/MWh được thông qua cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/2 mức giá trần 275 EUR/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất hồi cuối tháng 11-2022. Hiện tại, giá giao dịch khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan dao động quanh mức 140 EUR/MWh. Con số này thấp hơn nhiều mức giá kỷ lục 340 EUR/MWh hồi tháng 8-2022 nhưng hiện vẫn cao gần gấp đôi giá khí đốt tại châu Âu cách đây 1 năm.

Phát biểu tại Brussels sau khi biện pháp áp giá trần khí đốt được thông qua, Ủy viên phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu, bà Kadri Simpson cho biết: "Mặc dù việc thống nhất được biện pháp hạn chế giá khí đốt là rất quan trọng nhưng điều quan trọng nữa là cần phải đẩy mạnh việc biến các nỗ lực mua chung khí đốt trở thành hiện thực. Ngoài ra, châu Âu cũng có thể tạo ra một chỉ số bổ sung liên quan đến khí tự nhiên hóa lỏng và tăng cường sự đoàn kết trong vấn đề năng lượng. Cơ chế điều tiết thị trường cũng chỉ có thể có tác dụng tốt nếu đi cùng với các biện pháp khác là tiết kiệm khí đốt và hỗ trợ người tiêu dùng", bà Simpson nói.

Bà Simson cho biết thêm, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đình chỉ giới hạn giá trần khí đốt nếu có phân tích cho thấy bất hợp lý, mang đến các hậu quả tiêu cực nhiều hơn cho các nước châu Âu, như việc gián đoạn nguồn cung, tác động đến cơ chế hỗ trợ khí đốt giữa các nước hay khiến cho các nỗ lực cắt giảm tiêu dùng khí đốt tại châu Âu bị ảnh hưởng.

Khi trần giá khí đốt được thông qua, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được chấp nhận. EC có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng. Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo, việc áp giá trần khí đốt có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và có khả năng khiến các công ty tiện ích chuyển sang giao dịch tư nhân, chấp nhận rủi ro lớn nhằm tránh mức giá trần. Đây cũng là mối lo ngại của Hiệp hội Giao dịch Năng lượng châu Âu.

Nga cảnh báo đáp trả

Điện Kremlin tuyên bố EU vi phạm quy chế thị trường khi tìm cách áp giá trần khí đốt, cảnh báo Nga sẽ đáp trả động thái này. "Đây là hành vi vi phạm quy trình định giá thị trường và xâm phạm tiến trình thị trường. Bất cứ đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19-12 bình luận về thông tin EU thống nhất giá trần đối với khí đốt. Ông Peskov cho biết sẽ cần thời gian để cân nhắc các mặt tích cực và hạn chế khi đưa ra biện pháp đáp trả. "Dù thế nào, Nga cũng sẽ đưa ra phản ứng", ông nói.

AN BÌNH

Đức nâng mức tiêu thụ khí đốt lên tình trạng "nguy cấp"

Nhiệt độ băng giá trong những tuần qua đã buộc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ "căng thẳng" lên "nguy cấp" trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan cuộc xung đột Nga-Ukaine, buộc nước này phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và theo dõi chặt chẽ hơn nguồn cung cho mùa đông.

Mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa từ đầu mùa đông, nhưng thời tiết giá lạnh bất thường trong tháng 12 đang đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% lượng tiêu thụ so với những năm trước. Tuần trước, nhiệt độ trung bình trong cả nước lạnh hơn 2,7 độ C so với cùng thời điểm những năm trước đó, khiến việc sử dụng khí đốt tăng đột biến và tiết kiệm năng lượng chỉ đạt 12% so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, trong Kế hoạch Khẩn cấp về khí đốt, Cơ quan Mạng lưới liên bang đã nâng mức tiêu thụ khí đốt từ "căng thẳng" lên "nguy cấp".

Trung tâm Truyền thông Khoa học (SMC) cho rằng Đức có thể vượt qua mùa Đông nếu đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt, lượng nhập khẩu không giảm quá nhiều và mùa đông cũng không trở nên quá lạnh. Theo dự báo đầu tiên và có phần bi quan, kho dự trữ khí đốt của Đức có thể rỗng vào đầu tháng 3-2023, nếu mức tiêu thụ giống mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 2018-2021 và Đức trải qua một mùa đông lạnh giá.