“Gậy ông đập lưng ông”
Kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Tổng thống Donald Trump vẫn đang khiến các quốc gia “nằm trong vòng cấm” này quay quắt. Nhiều nước nỗ lực thảo luận với Washington về “những cách thức thay thế” nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.
Bất chấp những phản đối gay gắt của các đối tác thương mại trên toàn thế giới, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Động thái này hứng nhiều chỉ trích từ các nước, nhất là Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU). Trung Quốc đã dẫn dầu một nhóm 18 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hối thúc Tổng thống Trump hủy bỏ kế hoạch áp mức thuế mới này. Nhiều người thậm chí cáo buộc ông chủ Nhà Trắng đã bắn phát súng đầu tiên cho chiến tranh thương mại toàn cầu.
Nhưng có lẽ các nước không nên quá lo lắng. Bởi động thái của Tổng thống Trump là cách tiếp cận “sai lầm” đối với những vấn đề về thương mại và ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ sớm phải rút lại quyết định này. Khi đặt bút ký sắc lệnh trên, ông Trump biện hộ là muốn bảo vệ ngành thép và nhôm của Mỹ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia. Nhưng trên thực tế, mức thuế quan đối với thép và nhôm do chính quyền ông Trump áp đặt sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong nước và tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ.
Rõ ràng, sắc lệnh của Tổng thống Trump không chỉ gây khó cho các nhà sản xuất nhôm và thép ở nước ngoài mà còn gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Một số lượng lớn các nhà sản xuất của Mỹ sử dụng thép và nhôm nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng như đồ gia dụng, ô-tô và hộp nước giải khát. Mức thuế 25% đối với thép và thuế 10% đối với nhôm chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và các mặt hàng sử dụng các vật liệu này.
Và như một dây chuyền, chi phí tăng sẽ dẫn đến giá cả tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ, trong khi đó hàng hóa của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ trở nên đắt đỏ hơn và ít cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Những mức thuế này cũng có nguy cơ gây mất việc làm trong các ngành sản xuất sử dụng thép và nhôm nhập khẩu. Lần cuối cùng mà Mỹ áp thuế nhập khẩu thép là vào năm 2002. Khi đó, 200.000 việc làm đã bị mất.
Lên nhậm chức với cam kết “giành lại việc làm cho người Mỹ”, nhưng lần này, một nghiên cứu gần đây của Cty tư vấn về Thương mại ước tính rằng, mức thuế mới của Tổng thống Trump sẽ làm mất 146.000 việc làm tại Mỹ sau khi đã có những tác động tích cực đối với các nhà sản xuất nhôm và thép của Mỹ. Chưa kể, nếu các đối tác thương mại quan trọng trả đũa bằng hình thức thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, điều này có thể dẫn đến cuộc chiến thương mại gây tác động rất tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
THANH VĂN