Hé mở cuộc chiến thuốc phiện Anh –Trung

Thứ sáu, 07/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Tháng 6-1840, một hạm đội tàu chiến của Anh tiến vào đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc, nã đạn pháo tấn công lực lượng bảo vệ bờ biển yếu ớt của Trung Quốc và đưa đất nước quy phục dưới tay mình. Đây là cuộc chiến thuốc phiện lần thứ nhất, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, nhằm bảo vệ quyền tự do thương mại mà Anh cho là cần thiết.

Ngành kinh doanh sinh lợi cao

Hai doanh nhân người Scotland đóng vai trò quan trọng trong việc khơi mào cuộc chiến này. Đó là William Jardine, một cựu bác sĩ phẫu thuật chuyển sang nghề kinh doanh đến từ Dumfriesshire, và James Matheson, một thương nhân đến từ Sutherland.

Họ trở thành đối tác kinh doanh sau cuộc gặp gỡ đầu tiên trong một nhà thổ ở Trung Quốc. Năm 1832, họ thành lập Cty Jardine Matheson ở tỉnh Quảng Châu - khu vực duy nhất trong thành phố mà người nước ngoài có quyền kinh doanh. Họ đổi thuốc phiện để lấy trà, mặt hàng mà nước Anh có nhu cầu rất cao. Vào cuối thế kỷ XVIII, Anh nhập khẩu trà trị giá lên đến hơn 6 triệu bảng Anh mỗi năm từ Quảng Châu.

Lúc đầu, London phải đấu tranh duy trì việc trao đổi vì Bắc Kinh chỉ chấp nhận thanh toán bằng vàng bạc trong khi các loại hàng hóa khác như đồ gốm, dụng cụ khoa học và hàng len đều bị Trung Quốc từ chối. “Chúng tôi có tất cả mọi thứ và chất lượng luôn ở mức cao nhất. Tôi không chấp nhận những hàng hóa lạ và vô dụng”, Hoàng đế Càn Long viết trong một bức thư gửi cho Vua George III. Trong khoảng thời gian 50 năm, London trả cho người Trung Quốc số vàng bạc trị giá 27 triệu bảng Anh.

Tuy nhiên, các thương nhân Anh nhìn thấy cơ hội kiếm tiền rất lớn sau khi chinh phục khu vực Vịnh Bengal của Ấn Độ, nơi trồng thuốc phiện với số lượng lớn. Thuốc phiện bị cấm ở Trung Quốc dù nó được sử dụng trong y học cổ truyền trong hàng ngàn năm. Trong thế kỷ XV, thuốc phiện thậm chí còn được trộn với thuốc lá để hút. Chẳng bao lâu sau, mọi người từ tất cả các tầng lớp của xã hội Trung Quốc đều dính vào thuốc phiện. Chất gây nghiện này tác động rất lớn đến xã hội và gây thiệt hại nghiêm trọng trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của người dân.

Năm 1729, Hoàng đế Ung Chính ra lệnh cấm bán và hút thuốc phiện. Nhưng 100 năm sau, nhu cầu thuốc phiện tại Trung Quốc vẫn gia tăng và người Anh lợi dụng điều này để khai thác. Gần 184 triệu tủ thuốc phiện được đưa đến Trung Quốc mỗi năm từ Ấn Độ, trong đó Cty Jardine Matheson cung cấp 1/4 số thuốc này. Và Anh thu lợi khổng lồ từ việc bán thuốc phiện cho Trung Quốc.

  William Jardine và James Matheson được cho là hai người khơi mào cuộc chiến. Ảnh: BBC

Bắt giữ và trả thù

Tuy nhiên, năm 1839, Hoàng đế Đạo Quang mở cuộc chiến chống lại nạn buôn lậu thuốc phiện. Một loạt các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào các thương nhân phương Tây.

Các thương nhân tại khu vực quận trung tâm ở Quảng Châu bị quân đội Trung Quốc bao vây và buộc phải đầu hàng. Hàng hóa trị giá 2 triệu bảng Anh bị thu giữ, trong đó có 42.000 ống thuốc phiện và 20.000 tủ thuốc phiện. Tức giận trước vụ trấn áp này, William Jardine rời Quảng Châu về London và vận động Ngoại trưởng Anh khi đó là Lord Palmerston, tấn công Trung Quốc. Thuốc phiện đóng một phần quan trọng trong doanh thu của Anh, nên chính phủ không do dự mà ngay lập tức gửi quân sang Trung Quốc. Tháng 6-1840, hạm đội Anh gồm 16 tàu chiến và 27 tàu vận tải chở theo 4.000 binh sĩ đến  đồng bằng Châu Giang.

Trong số đó có Nemesis, một loại tàu chiến bằng sắt mới được trang bị vũ khí chết người - bệ phóng tên lửa Congreve - có thể tấn công mục tiêu cách đó hơn 3km. Người Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu nhưng hệ thống phòng thủ lạc hậu của họ không thể chống lại các loại vũ khí hiện đại của người Anh. Thuyền chiến của họ bị phá hủy chỉ trong 5 giờ. Trong vòng 2 năm sau, Hải quân Anh tấn công các khu vực bờ biển hướng tới Thượng Hải. Quân đội Trung Quốc, nhiều người trong số họ bị nghiện thuốc phiện, trở nên yếu ớt. Các cuộc oanh kích của Anh dẫn đến một sự mất mát đáng kể khiến 20.000-25.000 người Trung Quốc thiệt mạng, trong khi phía Anh chỉ mất có 69 người.

Triều đại Trung Quốc sụp đổ. Tháng 8-1842, tại tàu HMS Cornwallis, gần thành phố Nam Kinh, Trung Quốc buộc phải ký kết “Hiệp ước bất bình đẳng”. Họ đồng ý mở cửa 5 thương cảng cho việc trao đổi hàng hóa với nước ngoài và trả số vàng bạc trị giá 21 triệu bảng Anh cho London, như là khoản bồi thường cho những tổn thất trong việc buôn bán thuốc phiện và chi phí của cuộc chiến. Đối với Anh, điểm nổi bật của thỏa thuận là việc mua lại đảo Hồng Kông, và sử dụng đảo này như là một trung tâm để tăng cường thương mại thuốc phiện với Trung Quốc.

An Bình

(Theo BBC)