Hiệu ứng lan tỏa từ cuộc thi “Sáng tác phim ngắn về phòng, chống tệ nạn a túy trong học đường”

Thứ sáu, 13/05/2022 12:48
 Xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ma túy đang từng bước len lỏi vào nhà trường, trong khi một bộ phận không nhỏ học sinh chưa hiểu về tác hại của ma túy. Học sinh, sinh viên trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy. Trong khi đó, dù đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhưng kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy trong trường học những năm qua chưa thực sự đạt như kỳ vọng, chưa mang tính bền vững. Vì vậy, cuộc thi “Sáng tác phim ngắn về nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường” do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua cũng là một giải pháp và ban đầu đã đem lại hiệu ứng tích cực.

Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy có nguy cơ xâm nhập vào học đường, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, các em học sinh sẽ là những đối tượng rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường nghiện ngập.
Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác phẩm xuất sắc.

Cuộc thi được phát động từ tháng 5-2021, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP diễn biến phức tạp và kéo dài nên đến ngày 17-11-2021, Cuộc thi mới được chính thức triển khai, phát động đến các đơn vị, trường học trên địa bàn TP.

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, mặc dù thời gian học sinh xây dựng, hoàn thiện tác phẩm và gửi về Ban Tổ chức không nhiều nhưng đã có 50/93 trường tham gia Cuộc thi. Hầu hết các trường đã nỗ lực, có sự đầu tư công phu từ kịch bản, kĩ thuật dàn dựng, âm thanh, màu sắc, lời bình, hình ảnh đến lối diễn xuất tự nhiên, gần gũi của diễn viên không chuyên. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi bật, như tác phẩm “Nỗi đau” của trường THPT Thái Phiên. Tác phẩm phản ánh cuộc chiến ma túy chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều chông gai, lắm khốc liệt và chưa có hồi kết. Giữa cuộc chiến “chính nghĩa” đẩy lùi “phi nghĩa” luôn để lại nỗi đau phía sau cho những người thân. Cuộc chiến đấu với tội phạm ma túy đã khiến cho không ít cán bộ chiến sĩ công an hy sinh và bị thương, bị phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ. Còn về phần người nghiện, người sử dụng ma túy, họ cũng phải trả những cái giá rất đắt cho những việc làm sai trái của mình. Tác phẩm cũng nhấn mạnh đến việc nếu đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm từ bỏ ma túy, nỗ lực làm lại cuộc đời, thì cuộc sống của không ít người từng lầm lỡ và gia đình họ bước sang trang mới tốt đẹp hơn...

Tác phẩm “Ai cũng có thể” của trường THPT Chuyên biệt Tương Lai lại đề cập đến câu chuyện về bạn học sinh khiếm thính tên Nam bị cám dỗ dẫn đến nghiện ma túy. Nhờ Linh và Thảo (là bạn cùng lớp với Nam) vô tình nhìn thấy Nam đang hít ma túy bên vỉa hè vắng. Các bạn đã gặp Nam, chia sẻ và động viên để giúp Nam vượt qua cám dỗ. Thông điệp mà tác phẩm muốn gửi đến là “Trong bất cứ chúng ta, ai ai cũng có thể bị nghiện ma túy nếu không có ý thức phòng chống”. Đặc biệt trong môi trường học đường, học sinh nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng đều có thể bị cám dỗ dẫn đến nghiện ngập, sa ngã vào con đường ma túy nguy hiểm này. Chính vì vậy, học sinh khiếm thính nói riêng cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức về ma túy để biết cách phòng chống nó một cách an toàn.

Tiểu phẩm “Phòng chống ma túy” của trường THPT Thanh Khê lại kể về câu chuyện đã từng xảy ra trong thực tế. Nhân vật chính tên là Minh, vốn là một học sinh lớp 11, ngoan ngoãn, học giỏi. Sinh ra trong một gia đình khá giả, ba mẹ đều làm nghề kinh doanh. Từ nhỏ, Minh đã quen sống trong nhung lụa, đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu về tinh thần. Minh đã nhiều lần phải núp đằng sau cánh cửa để chờ đợi những lần cãi vã của bố mẹ kết thúc. Bố mẹ Minh có lần còn nghĩ đến chuyện li hôn. Minh buồn phiền, chán nản, thất vọng khi cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Vì thiếu sự quan tâm của ba mẹ, Minh nhanh chóng trở thành “con mồi ngon” của những kẻ xấu, muốn lôi kéo Minh vào con đường nghiện ngập. Chúng đã thành công! Minh nhanh chóng trở thành người nghiện ma túy. Bị phát hiện, Minh không tránh khỏi những trận đòn roi, la mắng của bố mẹ. Và ngược lại, bố mẹ cũng dần nhận ra sự thiếu quan tâm, chăm sóc của mình dẫn đến con sa ngã… Đây là tiểu phẩm kết thúc có hậu khi cuối cùng, Minh từ bỏ chất cấm và chú tâm vào việc học hành. Có được sự yêu thương và quan tâm của gia đình, Minh đã tìm thấy hạnh phúc mà cậu đáng được có!

“Qua tác phẩm tham gia cuộc thi, hầu hết nhân vật chính bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy đều bắt nguồn từ nguyên nhân trẻ thiếu tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình dù cho hoàn cảnh gia đình nghèo khó hay khá giả, giàu có; yếu tố tâm sinh lý trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi cũng là một trong những nguyên nhân bởi ở độ tuổi này, nhân cách, nhận thức, nhân sinh quan của các em về cuộc đời còn non nớt, dễ bồng bột, đua đòi theo bạn bè, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ”…, thành viên Ban tổ chức cuộc thi nói. Đồng thời cho biết, các tác phẩm dự thi cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần quan tâm, tìm hiểu nhu cầu, tâm sinh lí của con để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để lại hậu quả xấu. Cuộc thi cũng mang ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cùng chung tay trong công cuộc phòng, chống tệ nạn ma túy.

Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy có nguy cơ xâm nhập vào học đường, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, các em học sinh sẽ là những đối tượng rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường nghiện ngập.

“Cuộc thi mang đến cho các em nhiều kiến thức bổ ích về thực trạng cũng như các biện pháp phòng, chống ma túy trong môi trường học đường, đồng thời trang bị cho bản thân em nói riêng và các bạn nói chung nhiều kỹ năng để trở thành những tuyên truyền viên về phòng, chống tệ nạn ma túy”, một em học sinh tham gia cuộc thi cho biết.

Được biết, trong thời gian từ ngày 18-12 đến 29-12-2021, các tác phẩm dự thi được đăng tải trên mạng xã hội thông qua trang Fanpage Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã thu hút 413.794 lượt tiếp cận, 81.517 lượt người xem, 21.774 lượt “Like, Love” và 17.930 lượt “Share”. Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao giải Nhất cho tác phẩm của Trường THPT Thái Phiên; giải Nhì thuộc về Trường Chuyên biệt tương lai; giải Ba thuộc về Trường THCS Kim Đồng và 5 giải Khuyến khích thuộc về các trường: THPT Ông Ích Khiêm; THCS Lý Tự Trọng; THCS Lê Độ; THPT Chuyên Lê Quý Đôn và THCS Tây Sơn.

Có thể thấy, khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với tội phạm và tệ nạn ma túy. Chính vì vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản thông qua cuộc thi này sẽ giúp các em học sinh chủ động tránh xa ma túy. Qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại ma túy vào giới trẻ hiện nay.

D.H