Hội An rêu chi rất nhớ…
Cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, chỉ biết mỗi lần nghe bài "Tình quê " của nhạc sỹ Trần Quế Sơn cất lên lòng lại xuyến xao ngùi ngùi niềm nhớ thương khó tả.
Rêu phong phố cổ.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, ở quê mình mà vẫn thấy nhớ thấy thương quê mình: "Về đây thăm cố hương, tôi nhìn nơi nao cũng thương… Thương mía đường thơm tô mì gạo mới. Thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời…" Lạ là, tôi không thích ai hát bằng chính cái giọng nằng nặng của Trần Quế Sơn. Y chang phố cổ Hội An cũng vậy. Định danh phố đẹp đã tự ngàn đời, còn đẹp như thế nào thì chính mỗi người chúng ta cảm nhận và cắt nghĩa.
Ai bảo nếu có một miền quê nào ở miền Trung để người ra đi muốn quay trở lại, vùng quê nào gợi nỗi nhớ nôn nao, thăm thẳm, nồng nàn, nhạt nhòa mà vẫn sắc sâu ký ức… với tôi thì đó chính là Hội An. Đi đâu phố xá ồn ào, đi đâu những hoa lệ phố phường bức bối, đi đâu mỏi mệt phận người bon chen, giành giật, tôi lại về Hội An để nghe yên bình những con sóng vỗ từ bãi bờ Cửa Đại, thả lòng mình trong dòng nước mát đoạn cuối dòng Thu Bồn trước khi tiễn biệt một miền quê để về đại dương chi xứ. Về Hội An để ngắm những con phố đầy hoa, ngát lên sau cơn mưa cong vòng từng viên ngói âm dương cổ kính để tươi trẻ lại, rêu mát xanh ra.
"Tôi về Hội An sau cơn mưa/Phố cổ lặng im trong chiều tắt nắng/Chỉ còn đâu đây tiếng sóng ngân nga/Và bản tình ca tôi hát/Hội An như thơ như mơ... ("Hội An sau cơn mưa" - nhạc sĩ Minh Quang)
Hội An với những con hẻm nhỏ nhưng lưu giữ cả một dòng chảy thời gian mãnh liệt. Từ đây những gánh hàng rong bình dị, người già đạp xe mỗi chiều từ con hẻm, hay bất ngờ một cô gái thướt tha tà áo dài tím về qua, chỉ thấy mái tóc, tà áo mà buộc người ta phải dung đôi mắt, nụ cười. Tôi vẫn thích ngồi uống cà phê ở Hội An để ngắm phố phường, để cảm nhận thời gian ở đây tích tắc, trôi đi rất chậm, nhiều lúc lơ đễnh ngừng trôi.
Phố phường bừng tươi lên trong bình minh bởi không gian những giàn hoa giấy, hoa sử tử quân trước mỗi ngôi nhà… Hội An không biết bao giờ đã thành những con phố hoa lung linh, quyến rũ. Là người quê Quảng Nam, tôi biết Hội An đã từng đi qua những năm tháng khó nghèo của đất nước. Nhưng người ta bảo nhờ đó, mà chúng ta hôm nay còn có một Hội An xưa gần như nguyên vẹn. Nếu giàu có lên nhanh biết đâu người ta đã đập đi xây lại hết rồi. Đó là sự góp công sức của một vài con người có tầm xa hay con mắt rất xanh của kiến trúc sư người Ba Lan được gọi với cái tên thân mật Kazik. Xin không lạm bàn những chuyện nêu trên, chỉ biết đến Hội An, bạn sẽ bắt gặp những cụ ông, cụ bà, cho đến các cô gánh hàng rong với nhiều món ăn ngon và đậm nét phố cổ luôn nở nụ cười thân thiện. Tiếng nói, tiếng chào nhau của người dân thật nhẹ nhàng, từ tốn. Màn đêm buông xuống cũng là lúc phố Hội lên đèn, mở ra một vẻ đẹp huyền bí của những chiếc đèn lồng đặc trưng phố Hội.
Nhà báo Trương Điện Thắng trong một bài viết trên báo Quảng Nam "Hội An vừa đi vừa nghĩ vụn" có nêu một ý mà người viết bài này rất thích, đó là câu chuyện về ngày trước, khi nhà văn Nguyễn Tuân viết bút ký Cửa Đại đã có một câu nổi tiếng về những món ăn Hội An mà mỗi lần ghé về phố cổ tác giả không thể quên: "Nhớ được cái mùi của một nơi, người ta rất còn nên nhớ tới cái tiếng của một nơi nữa". Cái tiếng ở Hội An, không chỉ là tiếng rao, tiếng leng keng của hàng rong trong đêm, mà còn là tiếng nói Quảng Nam, tiếng tăm của một vùng đất từng là "khu kinh tế mở" mấy thế kỷ trước. Và có được "cái tiếng" đó, không ai khác hơn là do chính người Hội An làm nên vậy.
Với riêng tôi Hội An quá mong manh vì nó đẹp. Ai yêu miền Trung, ai yêu Hội An cũng sợ nó vỡ vì nó không thể đứng bên ngoài sự phát triển hiện nay. Hội An buộc nó phải xưa mới là một là Hội An đích thực. Ai yêu Hội An nhớ phố thì về. Rêu vẫn xanh trên từng mái ngói/gió vẫn lùa ký ức về đây/ về vùng đất chật người đông/nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu.
Tạp bút của Võ Văn Trường