Hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: Muôn nơi dâng lễ vật

Thứ năm, 30/09/2010 00:00

>> Nhật ký Thăng Long - Hà Nội: Góc ngã tư bên tường rào Văn miếu

>> Áo dài “Đất rồng thiêng”

(Cadn.com.vn) - Ngày mai (1-10), Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chính thức khai mạc, đây là dịp cả nước hướng lòng thành về đất Thăng Long - Hà Nội. Trong rất nhiều lễ vật kịp dâng Đại lễ, có thể kể đến bộ 1.000 rồng Thăng Long, 100 trống đồng, chiếc trống đại có đường kính 2,35m- cao 3m, chiêng đồng có đường kính 2,01m và “Đại Hồng Chung Thăng Long linh tụ” cao 3,050m (nặng hơn 3 tấn), linh vật thần Kim Quy bằng gốm cổ Bát Tràng, bức tranh thêu “Ước nguyện ngàn năm”,...

Điện Kính Thiên là nơi được chọn để trưng bày những kỷ vật dâng Đại lễ như trống đại, chiêng đồng, chuông đồng “Đại Hồng Chung Thăng Long linh tụ”, tranh thêu “Ước nguyện ngàn năm”. Trước đó cũng tại điện Kính Thiên đã diễn ra lễ nhập linh, khai quang 1.000 rồng Thăng Long, riêng bộ 100 trống đồng được rước và đưa về trưng bày tại Văn Miếu. Có thể nói, tất cả những linh vật, linh phẩm dâng lên đại lễ 1.000 năm Thăng Long mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, có yếu tố lịch sử và thể hiện tình yêu đối với Thủ đô 1.000 năm tuổi và cao hơn nữa là tình yêu Tổ quốc.

Bộ kỷ vật 1.000 rồng Thăng Long do Công ty CP Mỹ nghệ Đông Sơn dâng lên Đại lễ, rồng được chế tác tinh xảo, hình tượng rồng gấp khúc nhiều lần, thân mảnh mai, thanh thoát và đầy khí phách mang đặc trưng của rồng thời Lý. Trong đó 2 sản phẩm Rồng Thăng Long mang số hiệu 0001 và 1.000 đã được tổ chức đấu giá vào đêm 26-9 và nhận được số tiền 1,2 tỷ đồng để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.

Linh vật thần Kim Quy bằng gốm Bát Tràng dâng lên Đại lễ. Ảnh: V.H 

Bộ 100 trống đồng được đúc tại làng đúc đồng xã Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hóa) theo mẫu trống đồng Đông Sơn. Mỗi chiếc trống đồng có đường kính mặt 60cm, cao 48 cm, thân trống có khắc họa hình 100 con rồng thời Lý, riêng chiếc trống đại có đường kính mặt 1m, cao 79cm, được trang trí bằng 1.000 con rồng. 100 trống đồng này không chỉ trưng bày để người dân Hà Nội và du khách chiêm ngưỡng mà còn tham gia hòa khí cùng cồng chiêng trong tiết mục “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long” tại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Linh vật thần Kim Quy được tạo tác mô phỏng cụ rùa Hồ Gươm, đây là kỷ vật do nghệ nhân Trần Độ - làng gốm Bát Tràng thực hiện và được an vị tại đền Ngọc Sơn. Linh vật thần Kim Quy được làm bằng nguyên liệu gốm cổ Bát Tràng, có kích thước lớn nhất từ trước tới nay (3,3m x 2,6m x 1,36m) và nặng gần 4 tấn.

100 chiếc trống đồng do các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn (Thanh Hóa)
thực hiện dâng tặng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được trưng bày
tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Những người con đất Quảng Nam dự kiến có 2 bộ kỷ vật đến với Thủ đô trong dịp này, gồm bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” và “Thiên Long Việt đồ”. Tuy nhiên hiện chỉ mới có bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” gồm 9 tác phẩm điêu khắc làm bằng chất liệu gỗ sao vàng nguyên khối, gỗ hương và gỗ xà cừ của các nghệ nhân Trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Quảng Nam) đã có mặt với Đại lễ.

Riêng tác phẩm “Thiên Long Việt đồ” do nghệ nhân Trần Ngọc Minh (Duy Xuyên, Quảng Nam) tạo tác có nguy cơ lỡ hẹn với 1.000 năm Thăng Long. Chiều 29-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, nghệ nhân Ngọc Minh cho biết, hiện tác phẩm “Thiên Long Việt đồ” vẫn còn để lại đền Rồng (Duy Trinh, Duy Xuyên) chứ chưa thể “thăng long” về Hà Nội.

Nguyên nhân sự trục trặc này, nghệ nhân Ngọc Minh nói: “Đến giờ này tôi chưa nhận được giấy mời của TP Hà Nội để tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trước đó, tôi chỉ nhận được thư tiếp nhận và cảm ơn của Sở VH-TT&DL Hà Nội, tuy nhiên đây là một tác phẩm đặc biệt, có giá trị lớn nếu tặng cho Hà Nội sẽ rất khó cho tác giả”. Cũng theo nghệ nhân Ngọc Minh, nếu nhận được giấy mời của TP Hà Nội thì “Thiên Long Việt đồ” sẽ có mặt tại Thủ đô sau 24 giờ đồng hồ và những chi phí cho chuyến về nguồn này sẽ do anh tự lo liệu.

Quang Phúc