Indonesia thành tâm dịch thế giới: 'Virus nhân lên, đội ngũ y tế giảm xuống'
Trong khi Indonesia chính thức trở thành tâm dịch mới của thế giới với số ca nhiễm cao kỷ lục, số lượng nhân viên y tế nước này tử vong vì COVID-19 cũng liên tục tăng.
Ngày 20-7, Indonesia đã trở thành tâm dịch mới của thế giới, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ngày 19-7, nước này đã báo cáo 1.093 trường hợp tử vong vì COVID-19, vượt qua Brazil - quốc gia từng ghi nhận số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới trong một ngày. Ngày 20-7, Indonesia lại tiếp tục lập một kỷ lục không mong muốn khác với 1.318 trường hợp tử vong và 34.257 ca mắc mới.
Các bênh nhân COVID-19 đang được điều trị trong một túp lều ở TP Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nhóm tình nguyện Lapor COVID-19 cho biết Indonesia đã bó tay với hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mỏng manh của nước này. Cũng theo nhóm này, tổng cộng 1.439 nhân viên y tế không qua khỏi vì virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chỉ riêng trong tháng 7, đã có 218 nhân viên y tế tử vong khi tham gia chống dịch.
Bác sĩ kiệt sức
Indonesia đã triển khai mạng xã hội thành kênh thông tin giúp người dân tìm kiếm giường bệnh, oxy y tế, người hiến huyết tương và vaccine. Ngoài ra, các nền tảng này cũng giúp kết nối trực tiếp bệnh nhân và bác sĩ - người có thể đưa ra các tư vấn sức khỏe từ xa.
Trong số những tình nguyện viên tham gia tư vấn trực tuyến có bác sĩ Riyo Pungki Irawan. Anh đã tập hợp một nhóm khoảng 30 chuyên gia y tế trên khắp đất nước sử dụng các ứng dụng nhắn tin để phục vụ cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà.
Bác sĩ này cho biết một ngày anh có thể nhận đến 500 tin nhắn từ các bệnh nhân. Điều này đã khiến anh và các đồng nghiệp kiệt sức. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng khan hiếm giường bệnh, chính quyền đã biến các căn hộ, tòa nhà chính phủ, sân vận động thể thao và bãi đỗ xe bệnh viện ở những khu vực có nguy cơ cao thành các phòng cách ly hoặc điều trị.
Bên trọng một khu cách ly y tế ở Indonesia. Ảnh: REUTERS
Indonesia cũng đã nhận được máy thở, vắc xin, bình dưỡng khí, bộ xét nghiệm và các thiết bị y tế khác từ các đối tác thương mại như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore.
Tuy nhiên, BS Riyo cho biết giường bệnh và thiết bị y tế sẽ không hữu ích nếu các bác sĩ và y tá tuyến đầu tiếp tục tử vong vì COVID-19 trong khi các ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông nói: "Việc mua hoặc nhập giường bệnh và các trang thiết bị khác rất dễ dàng, nhưng không dễ để tăng số lượng các bác sĩ. Loại virus này nhân lên nhanh hơn nhiều so với các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác".
Các chuyên gia y tế nói rằng các biện pháp chống dịch hiện tại vẫn chưa chặt chẽ. Tuần trước, một hành khách mắc COVID-19 trên chuyến bay từ Jakarta đến Ternate đã sử dụng kết quả xét nghiệm âm tính của vợ để được bay. Trong khi đó, truyền thông Indonesia cũng ghi lại được hình ảnh Bộ trưởng đầu tư Bahlil Lahadalia và Bộ trưởng thương mại Muhammad Lutfi của nước này không đeo khẩu trang trong chuyến công tác tới Mỹ. Điều này đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở Indonesia.
Hiện, Tổng thống Joko Widodo hiện đã cấm các bộ trưởng, ngoại trừ Ngoại trưởng, đi du lịch nước ngoài mà không có sự cho phép của ông, theo thư ký nội các Pramono Anung. Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến của Viện khảo sát Indonesia cho thấy sự tin tưởng của người dân vào khả năng xử lý dịch của ông Widodo đã giảm xuống còn 43%, so với 56,5% vào tháng 2.
Nguy cơ mới: Sự chủ quan
Trong tuần này khi dịch COVID-19 chuyển biến xấu, người dân Indonesia đã tích trữ nhiều đồ uống, thực phẩm và gia vị tốt cho sức khỏe, theo kênh Channel News Asia (CNA).
Các bác sĩ cho biết các thực phẩm trên có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
Trong số đó, tác động tiêu cực nhất là tạo cho người dân tâm lý chủ quan, tin rằng việc nạp vào cơ thể các thực phẩm bổ dưỡng có thể tạo ra miễn dịch hoàn toàn dẫn đến việc không nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch.
"Mọi người đã nhận được thông tin sai về những hàng hóa này. Nhiều người cho rằng chúng có thể chữa khỏi COVID-19 hoặc ít nhất là ngăn lây nhiễm hoặc khắc phục một số triệu chứng" - Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, Giám đốc Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Indonesia nói với CNA.
Theo PLO