Italia và mối lo Libya

Thứ bảy, 13/04/2019 11:41

Italia được coi là quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bạo lực bùng phát ở Libya, nơi đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 sau 42 năm nắm quyền.

Hiện giao tranh tại thủ đô Tripoli vẫn tiếp tục leo thang. Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar, đứng đầu chính quyền miền Đông, tuyên bố đã bắn hạ 1 máy bay quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng không cho biết thông tin về loại máy bay này.  Căng thẳng leo thang đã khiến khoảng 4.500 người Tripoli phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhưng rất nhiều người trong số này đang bị mắc kẹt do giao tranh. Chỉ trong vòng 6 ngày qua, cuộc chiến ở thủ đô Tripoli của Libya đã khiến 56 người thiệt mạng và 266 người khác bị thương.

Với căng thẳng gia tăng có khả năng dẫn đến một cuộc nội chiến ở Libya, Cty năng lượng Eni, Cty Châu Âu lớn nhất ở Libya, đã rút các nhân viên quốc gia khỏi thủ đô của Tripoli cũng như mỏ dầu Al-Wafa và El Feel. Hầu hết các đại diện ngoại giao của Italia cũng đã được triệu hồi. Nhưng tác động lớn nhất xuất phát từ bạo lực và bất ổn có thể là nguy cơ khủng bố gia tăng ở Châu Âu và khu vực Địa Trung Hải trong khi số người xin tị nạn tăng lên đáng kể.

Italia có mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ với Libya hơn bất kỳ quốc gia Châu Âu nào khác, vì Libya từng là thuộc địa của Rome trong hầu hết nửa đầu thế kỷ XX. Ngay cả sau khi Libya độc lập vào năm 1947, Italia vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nước này và là một trong số ít các quốc gia có quan hệ bình thường với chính phủ của ông Gaddafi. Rome cũng vẫn phụ thuộc vào năng lượng Libya.

Chính phủ hiện tại của Italia dưới thời Thủ tướng Giuseppe Conte có lập trường cứng rắn chống người di cư sau khi lên nắm quyền cách đây gần 1 năm. Một phần của chiến lược liên quan đến việc tài trợ và huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển Libya để chặn tàu di cư và đưa họ trở lại Libya. Và giờ đây nếu không có nhà nước Libya, thì lực lượng bảo vệ bờ biển Libya sẽ không còn có thể thực hiện công việc đó nữa.

Sự bất ổn kéo dài ở Libya cũng có khả năng làm bùng nổ làn sóng người tị nạn, khiến Italia khó duy trì các chính sách biên giới khép kín đối với những người xin tị nạn mới. Italia rõ ràng đang ở trong tình huống khó khăn và quan trọng hơn nữa là sự cân bằng của Địa Trung Hải đang bị đe dọa ở Libya.

THANH VĂN