Khởi động Dự án Biến “lộc rừng” bội thu bền vững

Thứ ba, 10/01/2023 17:57
Xuân về, lên vùng cao Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), lòng người sẽ chìm đắm trước cảnh sắc tuyệt đẹp lúc Trẩu vào mùa nở hoa trắng tinh khôi. Đây là loại cây bản địa có nhiều ở rừng tự nhiên, có giá trị kinh tế cao nên bà con đồng bào ví như “lộc rừng” mỗi mùa thu hoạch quả. Nhưng không dừng lại ở việc chờ “săn lộc rừng”, người dân đã chuyển hướng trồng diện rộng, thay thế cho nhiều loại cây khác. Nhận thấy những giá trị vượt trội mà cây Trẩu mang lại với những lợi thế sẵn có, Quảng Trị nâng tầm quy mô, phát triển loại cây lâm nghiệp này.
Đồng bào vùng cao Quảng Trị tách thủ công quả Trẩu lấy hạt.
Xao xuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây (H. Hướng Hóa) bừng sáng mùa Trẩu nở hoa.

Với gần 3.000 ha rừng Trẩu hiện tại (hơn 2.600 ha rừng trồng tập trung và gần 260 ha rừng phân tán), Quảng Trị có diện tích cây Trẩu chiếm gần ¼ tổng diện tích cây trồng Trẩu trên cả nước (hơn 13 ngàn ha). Đầu năm mới 2023, người dân hai huyện Hướng Hóa và Đakrông vô cùng phấn khởi khi UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch Phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu Trẩu trên địa bàn 2 huyện, giai đoạn 2023 – 2026 và định hướng đến năm 2030. Từ đây mở ra nhiều cơ hội cho người dân, cho thúc đẩy KT-XH địa phương và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, cây Trẩu đa tác dụng, sinh trưởng nhanh, giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, sớm tạo thu nhập kinh tế và liên tục cho người trồng. Hạt Trẩu là nguyên liệu chính ép lấy dầu, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, chất làm khô bề mặt, công nghiệp dược phẩm. Còn khô dầu là nguồn phân bón hoặc làm thức ăn gia súc khi đã khử độc tố. Vỏ quả là nguồn nguyên liệu để tách chiết tanin và sản xuất than hoạt tính. Trẩu cũng thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái và chịu được các điều kiện khắc nghiệt nên được ưu tiên lựa chọn trong các chương trình trồng rừng, góp phần vào việc phủ xanh đất trống trồi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.

Hiện cây Trẩu đang phân bố tập trung tại các xã Hướng Linh (322,2ha), Hướng Phùng (806,1ha), Hướng Sơn (222,7ha), Hướng Tân (597,3ha), Tân Thành (653,7ha), Hướng Lập (232,6ha), Húc (63,6ha), Tân Hợp (0,6ha) đều thuộc H.Hướng Hóa; và Ba Nang (11,2ha), A Bung (13,3ha), A Vao (25,5ha) đều thuộc H.Đakrông. Trong đó, trên đất rừng phòng hộ chiếm 83,3% tổng diện tích trồng Trẩu của 2 huyện do BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông và BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa trồng. Trên đất rừng sản xuất chiếm 16,7%. Hầu hết diện tích rừng trồng Trẩu được triển khai từ những năm 2000 đến năm 2008.

Từ năm 2010 đến nay được trồng bổ sung theo các chương trình rừng trồng hàng năm. Những năm qua, hoạt động thu hoạch, sơ chế quả Trẩu diễn ra tự phát, manh mún, thủ công, chưa đúng kỹ thuật, thời vụ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, thấp, đôi khi còn ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng và trật tự an toàn xã hội. Anh Hồ Văn Thanh (xã Hướng Phùng) cho biết, sản phẩm được lưu thông tiêu thụ chủ yếu là hạt Trẩu, chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ Trẩu. Lời chia sẻ của anh Thanh cũng chứa đựng nhiều niềm mong mỏi của bà con nông dân, đồng bào vùng cao về phát triển cây Trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đồng bào vùng cao Quảng Trị tách thủ công quả Trẩu lấy hạt.

Chính vì thế, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển sản xuất cây Trẩu bền vững khiến người dân đầy tin tưởng với mục tiêu hình thành được vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa lớn, gắn chặt chẽ chế biến với tiêu thụ và tạo liên kết chuỗi ổn định. Theo đó, từ năm 2023 – 2026, bảo vệ, duy trì ổn định nâng cao chất lượng diện tích rừng Trẩu hiện có; phấn đấu đạt năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên và giá trị thu nhập từ rừng Trẩu tăng từ 20% trở lên. Đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng và bền vững; diện tích rừng lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha.

Xây dựng mới 2 vườn ươm, quy mô công suất 500 ngàn cây/năm; trồng mới bình quân 500ha/năm; hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hàng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Hình thành 1 cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất trung bình 500-1.000 tấn hạt/năm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến năm 2030, sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.300 ha; có 5.000 ha trở lên rừng Trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; thành lập 2 cơ sở, nhà máy sơ chế và chế biến sâu. Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp triển khai thực hiện. Tổng kinh phí dành cho giai đoạn 2023-2026 là hơn 16 tỷ đồng, bao gồm các nội dung hỗ trợ, tập huấn, xây dựng mô hình, hỗ trợ thành lập HTX…

Người dân trồng Trẩu phấn khởi bởi thu nhập rất khá từ Trẩu. Chính vì thế, có định hướng rõ phát triển bền vững loại cây này, ai nấy đều thấy bận rộn cho dự định năm mới và những năm tới. Và tin chắc, cây Trẩu sẽ là cây lâm nghiệp thế mạnh trên vùng cao Quảng Trị nay mai.

Bảo Hà