Không tạo sơ hở cho tội phạm lợi dụng
Buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận
Thống kê từ Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho thấy, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 12 vụ, việc có liên quan đến ma túy xảy ra trong cơ sở KDCĐK. Qua đó, lực lượng chức năng đã khởi tố 29 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xử phạt hành chính 91 trường hợp với tổng số tiền hơn 412 triệu đồng.
Đơn cử, tại khu resort T.T. (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc), lực lượng Bộ đội Biên phòng Lăng Cô phối hợp với Công an thị trấn Lăng Cô và lực lượng bảo vệ ở cơ sở đã bắt quả tang 11 đối tượng (9 nam, 2 nữ) đang sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng 1108. Hiện các đối tượng đều bị lực lượng chức năng khởi tố, bắt tạm giam để xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phát hiện tại khách sạn S.T (đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, TP Huế) không tiến hành thủ tục để đăng ký 4 khách lưu trú theo quy định dẫn đến để xảy ra việc 2 đối tượng thuê phòng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã bàn giao vụ việc, đối tượng cho Công an phường Vỹ Dạ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trên là do các chủ cơ sở KDCĐK chưa nghiêm túc trong hoạt động kinh doanh. Một số chủ cơ sở buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận để các đối tượng lợi dụng cơ sở KDCĐK thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa chủ cơ sở KDCĐK về ANTT với cơ quan Công an chưa thường xuyên, chưa hiệu quả.
Thượng tá Phan Quốc Hải- Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.957 cơ sở đầu tư KDCĐK về ANTT. Tuy nhiên, có chủ cơ sở chưa quan tâm đến công tác đảm bảo ANTT, thiếu theo dõi, quản lý nhân viên dẫn đến các vụ, việc vi phạm pháp luật. Một số chủ cơ sở không chủ động báo cơ quan Công an khi có vụ việc xảy ra.
Quản lý chặt hơn bằng phần mềm mới
Từ thực tế trên, thông qua buổi đối thoại, ngoài ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, giải đáp các vướng mắc của chủ cơ sở KDCĐK về ANTT, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về Luật Cư trú; phòng, chống tội phạm về ma túy; quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; các quy định về đảm bảo ANTT đến các cơ sở kinh doanh; không để tội phạm lợi dụng cơ sở KDCĐK để sử dụng trái phép chất ma túy.
Qua đối thoại, các chủ cơ sở KDCĐK cam kết, thường xuyên tuyên truyền quy định pháp luật đến các nhân viên; cam đoan, cam kết chấp hành các quy định pháp luật về KDCĐK, về ANTT; tăng cường phối hợp với lực lượng công an trong trao đổi, cung cấp thông tin; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tại cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo ANTT.
Thượng tá Hoàng Thị Mai- Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, ngoài trách nhiệm chung, một số ngành, nghề cần lưu ý chấp hành các quy định về đảm bảo ANTT. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập, quét thông tin của khách vào máy tính) trước khi để khách vào phòng nghỉ và thông báo cho Công an cơ sở.
Hiện nay, đã có 15 cơ sở kinh doanh lưu trú tại phường Phú Hội (TP Huế) đang làm điểm triển khai phần mềm mới ASM để thông báo lưu trú, đi kèm sử dụng máy đọc QR code trên căn cước công dân. Bước đầu triển khai phần mềm mới ASM này rất thuận lợi, tiết kiện thời gian, công sức của cơ sở và khách lưu trú.
"Từ tháng 7-2023, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh triển khai đồng loạt phần mềm thông báo lưu trú ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai phần mềm mới ASM, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh và Công an địa phương sẽ hướng dẫn, đồng hành cùng cơ sở để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; đảm bảo ANTT tại các cơ sở KDCĐK", Thượng tá Hoàng Thị Mai khẳng định.
P.A