Khủng hoảng sữa ở Trung Quốc

Thứ ba, 07/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc lại tiếp tục khiến thế giới giật mình sửng sốt với vụ bê bối thực phẩm gây chấn động mới nhất: thịt chuột giả thịt cừu. Những vụ bê bối liên tiếp như thế này đang ngày càng làm giảm uy tín của Bắc Kinh trên thị trường thế giới và cả trong nước. Trong đó, các sản phẩm sữa đang được quan tâm đặc biệt sau vụ năm 2008 khi hóa chất melamine được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa, khiến ít nhất 6 trẻ em thiệt mạng và 300.000 người khác bị ảnh hưởng.

Người tiêu dùng lo sợ

Một thực trạng đáng báo động hiện nay ở Trung Quốc là khi một đứa trẻ được sinh ra, các bậc cha mẹ luôn lo lắng không mua được sữa nhập khẩu cho con. Họ muốn mua sữa xách tay từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng. Họ lo sợ mức độ nguy hiểm của các kích thích tố và hóa chất trong sữa bột trẻ em do Trung Quốc sản xuất. “Con tôi chỉ uống sữa từ Nhật được người họ hàng gửi về. Khi các nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản bị rò rỉ, tôi đổi sang sữa Mỹ”, Liu Fang ở Bắc Kinh, mẹ của một cậu bé 3 tuổi, tâm sự.

Có nhiều nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ Trung Quốc làm như vậy. Năm 2008, 6 trẻ sơ sinh chết vì tổn thương thận nặng và khoảng 300.000 trẻ bị sỏi thận sau khi uống sữa bột bị nhiễm melamin. Sau các thử nghiệm, sữa của một số Cty lớn của Trung Quốc cũng bị phát hiện có chứa melamine, một chất phụ gia được thêm vào nhằm tăng nồng độ protein trong sữa. Kể từ đó, liên tiếp các vụ bê bối an toàn thực phẩm bị phanh phui, như thịt lợn nhiễm vi khuẩn phát sáng, dầu ăn tái chế được lấy từ ống cống của các nhà hàng... Thậm chí, hầu hết các sản phẩm ở siêu thị cũng bị nhiễm độc, khiến nhiều người Trung Quốc tin rằng, các sản phẩm thực phẩm đóng mác “Made in China” là không an toàn cho trẻ.

Các vụ bê bối sữa bột tiếp tục trở thành chủ đề chính của báo chí Trung Quốc. Tháng 12-2011 và tháng 7-2012, hai Cty Trung Quốc, Mông Ngưu và Ava, thu hồi toàn bộ sữa bột cho trẻ em sau khi bị phát hiện có chứa một lượng cao aflatoxin, chất gây ung thư có trong thức ăn chăn nuôi bò. Tháng 6-2012, Cty Yili cũng ban hành lệnh thu hồi các sản phẩm sau khi mức độ thủy ngân “cao bất thường” được tìm thấy trong sữa bột cho trẻ em.

 Các bậc cha mẹ Trung Quốc không dám cho con mình uống các loại sữa được sản xuất
trong nước. Ảnh: BBC

Uy tín bị xói mòn

Kết quả là mô hình “gia đình 4-2-1”, gồm ông bà, bố mẹ và 1 đứa con duy nhất, giành hầu như toàn bộ số tiền kiếm được để mua các loại sữa nhập ngoại an toàn cho con, cháu mình.

Một số mua sữa bột nhập khẩu từ các cửa hàng trực tuyến, vốn thường xuyên đăng ảnh quảng cáo đầy đủ các loại sữa bột nhập nhẩu từ nước ngoài. Và tất nhiên giá cũng không hề rẻ chút nào. Một loại sữa bột khá phổ biến, Enfrapro, có giá khoảng 22 USD/hộp khi mua tại Canada nhưng được bán với giá 44 USD trên Taobao, một nhà bán lẻ trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc.

Vì vậy, Bắc Kinh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề sữa bột trẻ em ở nhà bằng cách tăng cường hệ thống giám sát các sản phẩm thực phẩm. Mới đây, Bắc Kinh giao thêm quyền hạn cho Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Thuốc của đất nước, với hy vọng giành lại niềm tin của các bậc cha mẹ đối với các sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có vẻ như biện pháp này không phát huy tác dụng. “Chúng tôi không thể tìm thấy sữa nhập khẩu. Một vài tháng trước thì dễ hơn, nhưng giờ đây tôi nghe nói Hải quan Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu sữa. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ có 1% cơ hội sữa bột Trung Quốc là không an toàn, tôi không muốn mình rơi vào 1% này”, một sản phụ sắp sinh con cho biết.

Hiện tại, triển vọng thu được khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán sữa bột trẻ em ở Trung Quốc gây ra hiệu ứng dây chuyền cho các nhà bán lẻ trên toàn thế giới. Chính quyền Hồng Kông là nơi đầu tiên đặt ra giới hạn khi mua hàng, vì người Trung Quốc Đại lục thường xuyên đến đây để mua sắm. Khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lon sữa bột mỗi ngày. Những người vi phạm nguyên tắc này có nguy cơ đối mặt với 2 năm tù giam và bị phạt đến 64.500 USD. Các nhà bán lẻ tại Australia và Anh cũng áp dụng biện pháp hạn chế số lượng sữa bột được bán ra cho một khách hàng trong một ngày.

An Bình

(Theo BBC)