Kinh doanh vận tải tiếp tục gặp khó khăn

Thứ hai, 20/06/2022 10:15
Chưa kịp "hồi sức" do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng liên tục đã "bồi giáng" thêm khó khăn, áp lực khiến cho cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh dịch vụ vận tải khách trong cả nước nói chung, trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng tiếp tục "lao đao", trong đó, có không ít doanh nghiệp, người kinh doanh đã tính đến việc bán xe, chuyển nghề.
Hoạt động vận tải khách tiếp tục "lao đao" vì giá xăng dầu tăng phi mã.
Hoạt động vận tải khách tiếp tục "lao đao" vì giá xăng dầu tăng phi mã.

Anh Nguyễn Văn Bình, ở P.Thanh Khê Tây (Q.Thanh Khê), chuyên chạy xe hợp đồng khách du lịch. Trước năm 2022, anh Bình có 2 chiếc xe loại 16 chỗ ngồi, nay đã bán bớt 1 xe, chỉ còn lại 1 xe. "Giá xăng dầu tăng, cộng thêm các chi phí khác tăng theo nên tôi cầm cự không nỗi 2 xe, buộc phải bán bớt 1 chiếc để tiếp tục hành nghề, kiếm sống qua ngày trước cơn bão giá", anh Bình bộc bạch. Còn anh Phạm Trung, nhà ở P.Thạch Thang (Q.Hải Châu), chạy xe grabcar, ngán ngẩm: "Trước đây, mỗi ngày, tôi chạy cật lực thu nhập được 2 triệu đồng, chỉ tốn khoảng 700.000 - 800.000 đồng tiền xăng, còn lại đủ trang trải chi phí và cuộc sống. Nay 1 ngày cũng thu nhập chừng đó nhưng mất hết từ 1,1 - 1,2 triệu đồng tiền xăng, các chi phí khác cũng tăng nữa khiến tôi thực sự vất vả. Nếu sắp tới giá xăng dầu tăng nữa, chắc tôi phải bán xe, xin đi làm bảo vệ ở siêu thị nào đó".

Nếu như dịch vụ vận tải khách đường ngắn khó một thì dịch vụ vận tải khách đường dài khó gấp đôi, thậm chí gấp ba khi giá xăng dầu tăng. Chủ một doanh nghiệp chạy xe vận tải khách tuyến cố định Đà Nẵng - Sài Gòn, cho biết: "Giá xăng dầu tăng miết nhưng chúng tôi lại không dám tăng giá vé vì như thế sẽ khiến lượng khách đi xe sụt giảm, trong khi đó, lượng khách đi lại trên tuyến này vẫn chưa trở lại mức bình thường như trước khi dịch bệnh. Do vậy, doanh nghiệp khó lại chồng thêm khó". Đứng trước khó khăn do bão giá, đặc biệt là giá xăng dầu gây ra, hiện doanh nghiệp này đã giảm số lượng xe chạy chỉ còn 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50 - 60% số ghế trên xe mới không bị lỗ.

Ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Cty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân - doanh nghiệp có một số tuyến xe khách cố định, cũng phản ánh thêm, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến vận tải khách ngưng trệ, chưa kịp hồi phục, thì nay bị "bồi" thêm "cú" tăng giá xăng dầu phi mã, các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản; đồng thời, phải cắt nhiều chi phí, cắt giảm chuyến xe đi, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn hiện hữu...

Theo ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 10 lần. Dự kiến, giá xăng dầu sẽ tăng lên đến 35.000 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6-2022. Đây là thách thức không nhỏ đối với hoạt động vận tải nói chung, vận tải khách nói riêng. Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh vận tải khách trên địa bàn TP đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực khi hành nghề; việc khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải khách trở lại mới đạt được 70% nhưng đang thiếu hụt lái xe vì số đông nghỉ việc, chuyển nghề sau dịch. Trong khi đó, xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35 - 40% trong cơ cấu giá cước vận tải, giá xăng dầu điều chỉnh tăng ảnh hưởng đến 50% giá cước và tác động đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải.

Để tháo gỡ cho hoạt động vận tải nói chung, hoạt động vận tải khách nói riêng, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải ô-tô trong cả nước nói chung, trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng đã cùng nhau kiến nghị Liên bộ Công Thương - Tài chính sớm vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31-12-2022; kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu (hiện nay, thuế bảo vệ môi trường mới giảm 50%) để được gỡ khó qua giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh như: Chương trình 320.000 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh, Chương trình 40.000 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất… Ngoài ra, theo ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Cty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân cũng như nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh dịch vụ vận tải khách trên địa bàn TP Đà Nẵng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính cho miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải khách, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

PHÚ NAM