Kinh tế Đà Nẵng bước vào giai đoạn bứt tốc

Thứ năm, 30/06/2022 18:41
Kinh tế Đà Nẵng 6 tháng qua khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, một số ngành đã tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Thông tin được ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng chia sẻ tại cuộc họp báo hôm 29-6.
Biến động tăng giá vật liệu xây dựng khiến ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn. (Xây dựng cụm nhà máy tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng)
Ông Trần Văn Vũ công bố số liệu thống kê KT-XH Đà Nẵng 6 tháng qua.

Ông Vũ nói, kinh tế Đà Nẵng phục hồi khá nhanh, hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng và xếp thứ 2 trong số các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Cụ thể GRDP tăng hơn 7,2% so với cùng kỳ, tăng hơn 7,9% so với 6 tháng đầu năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Quỹ đạo phục hồi kinh tế TP đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Qua nửa năm, quy mô kinh tế đã đạt hơn 57,9 ngàn tỷ đồng, mở rộng hơn 5 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ 2020, gần 6,5 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ dịch chuyển tăng, hiện chiếm hơn 67%, trong khi lĩnh vực công nghiệp tiếp tục thu hẹp quy mô, còn chiếm hơn 14%.

Trong mức tăng trưởng GRDP hơn 7,2% thì khối ngành dịch vụ (chiếm 2/3 cơ cấu kinh tế) có đóng góp lớn, mức tăng hơn 9,8%, tiếp tục thể hiện là trụ đỡ chính của nền kinh tế. Nguyên nhân khối dịch vụ phục hồi tăng trưởng nhanh vì đời sống sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước khi có dịch, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với các sự kiện mới lạ, hấp dẫn ở Đà Nẵng. “Dịch vụ, du lịch bị tác động từ đại dịch suy giảm sớm nhưng khi phục hồi cũng rất nhanh. Ngược lại công nghiệp, xây dựng bị tác động chậm hơn nên phục hồi cũng chậm hơn” - ông Vũ chia sẻ. Do đó, 6 tháng qua, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của Đà Nẵng chỉ tăng trưởng hơn 2,3%.

Lĩnh vực du lịch giúp kinh tế Đà Nẵng phục hồi tăng trưởng nhanh hơn. (Khách tới khu du lịch Bà Nà Hills)

Việc sản xuất, xây dựng chậm phục hồi được ông Vũ lý giải do các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức từ việc tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào. Những biến động phức tạp từ bên ngoài đẩy giá xăng dầu tăng cao, dẫn tới giá sắt thép, nguyên liệu, cước vận tải, nhân công… đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ phân tích, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu bị đứt gãy do dịch bệnh, tình hình biến động của thế giới, đặc biệt thị trường Trung Quốc, việc nhập nguyên, phụ liệu về sản xuất rất khó khăn. Mặt khác, sau 2 năm đại dịch, các hoạt động xây dựng bị tác động gián đoạn, tạm dừng thì nay đồng loạt triển khai, nhu cầu sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn tới khan hiếm, tăng giá. Ngoài ra, một thực trạng khó khăn khác là việc mất cân đối về cơ cấu cung-cầu lao động. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lao động trong khi tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn cao.

Sản xuất công nghiệp bị tác động dịch bệnh chậm hơn nên phục hồi cũng chậm hơn. (Sản xuất tại Nhà máy cao su Đà Nẵng)

Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho biết, trong 6 tháng qua có hơn 2,2 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,5% về vốn đăng ký. Đặc biệt, dấu hiệu lạc quan cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động tăng đáng kể, hơn 1,6 ngàn doanh nghiệp, tăng hơn 48% so với cùng kỳ. Tương tự, xuất khẩu hàng hóa cũng cho thấy tín hiệu lạc quan khi tổng kim ngạch 2 chiều hơn 1,7 tỷ USD, riêng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tiếp tục duy trì xuất siêu ấn tượng. Số liệu thống kê đến 20-6 cũng cho thấy, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ.

Biến động tăng giá vật liệu xây dựng khiến ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn. (Xây dựng cụm nhà máy tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng)

Mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế Đà Nẵng khả quan trong 6 tháng qua tuy nhiên vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn thu hút FDI không đạt như kỳ vọng, tổng vốn đăng ký chưa tới 7 triệu USD. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, khoảng 25%, nguyên nhân do các khó khăn chung về qui trình, thủ tục; vướng giải phóng mặt bằng; giá vật liệu xây dựng tăng cao; khan hiếp nguồn cung vật liệu san lấp…Đặc biệt, hạn chế lớn nhất là việc mất cân đối trong tăng trưởng kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực. Khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, các lĩnh vực khác chậm hơn. Tuy vậy, trong khối dịch vụ (chiếm hơn 2/3 cơ cấu kinh tế) thì du lịch chiếm tỷ trọng lớn, các lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng…còn hạn chế. Để tăng qui mô kinh tế, bản thân các lĩnh vực dịch vụ ngoài du lịch phải phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao hơn, như vậy sẽ tạo độ bền vững.

Có thể thấy, kinh tế Đà Nẵng đã phục hồi mạnh mẽ, hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng và vượt lên mức tăng trưởng trước đại dịch. Đây là tín hiệu lạc quan, tuy vậy để phát triển ổn định, bền vững, kinh tế TP vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.

HẢI QUỲNH