Mai Bá Ấn - Một người thầy tài hoa xứ Quảng

Thứ năm, 11/08/2022 13:44
Nhà văn, Nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn học Mai Bá Ấn (1960) - Chi hội trưởng Chi hội  Nhà Văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Tổng biên tập Tạp Chí Sông Trà, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính- Kế toán là người con của Núi Thành (Quảng Nam). Anh sinh ra ở thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông. Anh là một người tài hoa, nho nhã, khiêm nhường, hiền hậu. Anh 3 lần vinh dự được nhận giải thưởng sáng tác về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ nhất.
Tác giả và Nhà giáo Mai Bá Ấn.
Tác giả và Nhà giáo Mai Bá Ấn.

Là một thầy giáo giỏi của trường Đại học Tài chính – Kế toán, vừa là một nhà thơ, nhà nghiên cứu – tiểu luận – phê bình, trên lĩnh vực nào anh cũng để lại nhiều dấu ấn của một con người tài hoa. Trên lĩnh vực sáng tác thơ, văn anh đã xuất bản 3 tập thơ: Lục bát làm liều (2001); Và bốn chung quanh - 2005, Thị trường lục bát – 2008 và tập truyện ngắn “ Bến thất tình” với 13 truyện.

Khởi sự văn chương bằng thơ. Anh làm thơ từ thuở thiếu niên, thời học sinh trung học cơ sở đến thời sinh viên đã có thơ in chung. Nhưng từ sau khi bảo vệ xong Luận án Tiến sĩ Văn học, Mai Bá Ấn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Đến nay, anh đã xuất bản 5 tập nghiên cứu - tiểu luận - phê bình: Đặc trưng trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo - 2009; Thơ - Từ nguồn về biển, 2013; Văn hóa ngôn ngữ và văn học 2013; Lô gích của tưởng tượng - 2018; Những bí mật thơ-2020.

Về giáo trình, tài liệu giảng dạy đại học anh đã hoàn thành và xuất bản 4 tập: Cơ sở Văn hóa Việt Nam (2004); Văn hóa giao tiếp và Đạo đức kinh doanh (2013); Đạo đức kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp (2014); Lịch sử văn minh thế giới (2018). Và trong một ngày gần đây anh sẽ in: Màu Biệt ly (Tập thơ); Thanh Thảo và hành trình đổi mới thể loại trường ca (Chuyên luận); Mây vờn Thiên bút (Chân dung văn học).

Trên phương diện nghề nghiệp, anh là một nhà giáo. Một nhà giáo có trái tim thi nhân lãng mạn có hồn thơ rất đẹp, với cái vẻ bên ngoài dung dị, hiền hậu, chất phác, dễ gần gũi. Và, thơ anh cũng thế một cốt cách lạ, không hoa mỹ, không “đao to, búa lớn”, rất riêng và cũng rất chung.

Thơ anh mộc mạc, câu chữ dân dã mà sâu kín những nỗi niềm triết lý. Đặc biệt, trong thơ lục bát anh đã “phá cách”, tạo ra một dòng thơ lục bát mới - lục bát biến thể. Trong bài viết “Mai Bá Ấn và trụi trần một khúc đành hanh”, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã có một nhận định rất tinh tế, xác đáng về lục bát Mai Bá Ấn: “Những câu thơ dường như không chịu ăn mặc chỉnh tề, cứ như vậy mà tưng tửng đi vào đời”. Với hai tập Lục bát làm liều và Thị trường lục bát, Mai Bá Ấn đã góp vào dòng chảy của lục bát Việt một gương mặt độc đáo, bằng những câu thơ ấn tượng. Đó là những câu thơ “tưng tửng”, “không chịu ăn mặc chỉnh tề” đầy bất ngờ mà cũng hết sức thú vị, sâu sắc. Một trong những điều làm nên những câu thơ trên chính là câu lục biến thể mà nhà thơ đã chủ động phá cách một cách linh hoạt. Nhà thơ Thanh Thảo trong bài viết “Năm anh em trên một chiếc xe” giới thiệu năm gương mặt thơ độc đáo, trong đó có Mai Bá Ấn “hát lục bát hồn nhiên nhưng cách hát và bài hát đã khác”. Cả năm gương mặt thơ này đều có “cách “vào thơ” và “ra thơ” cũng đột ngột”. Một trong những cách “vào thơ” “đột ngột” nhưng độc đáo, ấn tượng và đầy cá tính của Mai Bá Ấn chính là câu lục phá cách mà anh đã sử dụng rất hiệu quả trong thế giới lục bát của mình.

Đối với sự nghiệp giảng dạy, thơ, văn và nghiên cứu ngôn ngữ, anh đã thành danh rất lớn không những được các thế hệ sinh viên của trường đại học Tài chính - Kế toán tôn kính, thương yêu mà được bạn đồng nghiệp giảng dạy, bạn đọc, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, và các nhà lãnh đạo tôn trọng yêu quý. Được như vậy chính anh đã đồng nhất giữa “văn và người”. Văn anh dung dị, không cầu kỳ mà sâu sắc, đằm thắm, hàm chứa nhiều thông điệp đến người đọc và các thế hệ mai sau. Người anh cũng vậy, hiền lành, chất phác, khiêm nhường, có tình, có nghĩa, thủy chung. Anh rất yêu con người và quê hương xứ sở. Đó là bờ duối, cánh đồng, ngọn đồi, ngôi chùa, con suối, bến sông..., là chị bán quán nghèo bên bến sông giàu nghĩa tình, anh thanh niên mồ côi đánh cá trên khúc sông quê với tâm hồn giàu chất thơ lãng mạn, những người bạn học thuở thiếu thời...; tất cả đều đậm trong trí nhớ và hồn thơ, và đã được tái hiện trong tác phẩm của anh. Mỗi khi về quê anh thường chậm rãi bước nhìn quang cảnh, con người ở quê. Khi nghe Núi Thành có nhiều đổi mới, anh đi bao quanh ngắm nhìn cảnh quê nhà, dừng xe lại bên cầu trên đường Võ Chí Công ngắm sự đổi thay của dòng sông Bến Ván, cảnh chợ Chiều... Khi biết trường THCS Lê Văn Tâm, xã Tam Mỹ Tây mới thành lập còn nhiều thiếu thốn, anh gửi sách về tặng cho trường để thầy cô, học sinh đọc và xây dựng thư viện Tiên Tiến. Giờ đây thư viện trường đã đạt danh hiệu thư viện Xuất sắc trong đó có nguồn sách của anh trao tặng năm nào.

Mỗi khi gặp người cùng quê trên đất Quảng Ngãi anh rất vui mừng kể cả các em sinh viên ở quê vào học tập. Trong anh dường như: Đơn sơ một chiếc cầu con. Một con suối nhỏ cũng hồn quê ta, “Vầng trán em mang trời quê hương” (Đôi mắt người Sơn Tây- Quang Dũng).

Sơn Mỹ