Mở cửa Phòng đọc dành cho người khiếm thị
Đại diện lãnh đạo Thư viện Đà Nẵng cho biết, Phòng đọc dành cho người khiếm thị có từ năm 2003 với hơn 1.000 tài liệu, chủ yếu là sách Braille, băng cassette, 2 máy trợ thị Smart view cho người nhược thị, 2 máy victor reader, 2 máy casstte do Quỹ Force Hà Lan tài trợ.
Từ năm 2015 trở về trước, Phòng đọc dành cho người khiếm thị đã phục vụ tài liệu thường xuyên cho Thành Hội và các Chi hội người mù trên toàn địa bàn TP; Tổ chức các sự kiện và hội nghị bạn đọc dành cho riêng đối tượng bạn đọc khiếm thị nhằm tìm ra những giải pháp đáp ứng tối nhất nhu cầu đọc và tìm kiếm thông tin của người khiếm thị. Từ năm 2015 đến nay, do Thư viện Đà Nẵng được đầu tư xây dựng mới cùng các nguyên nhân khách quan khác, đặc biệt là ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Phòng đọc dành cho người khiếm thị tạm thời gián đoạn hoạt động.
Đầu năm 2022, khi các hoạt động trên địa bàn TP dần dần trở lại trong trạng thái bình thường mới, để phục vụ bạn đọc khiếm thị ngày một thuận lợi và tốt hơn, Thư viện Đà Nẵng đã cải tạo, hình thành một không gian riêng biệt phục vụ cho bạn đọc khiếm thị với trên 3.900 bản tài liệu, đa dạng các thể loại: sách chữ nổi Braille, sách vải nổi (897 bản), đĩa CD (1511 bản), băng casstte (1491 bản) và các máy móc hỗ trợ bạn đọc khiếm thị trong quá trình tiếp cận tài liệu như máy Smart view, máy victor reader, máy đọc cassette, CD. Thư viện Đà Nẵng còn đầu tư các máy vi tính, laptop, máy tính bảng có cài phần mềm đọc để hỗ trợ các bạn đọc khiếm thị tiếp cận các nguồn thông tin phong phú trên mạng Internet, nhất là cung cấp các nguồn thông tin, nguồn dẫn sách nói hay…
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Diệu Châu- Phó Chủ tịch Hội Người mù TP- bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng cùng sự quan tâm của lãnh đạo TP, của Thư viện Đà Nẵng đối với người khuyết tật nói chung, trong đó có người khiếm thị. Theo bà Diệu Châu, sự mở cửa lại Phòng đọc dành cho người khiếm thị với nguồn tư liêu phong phú, đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn…đã cung cấp nội dung kiến thức bổ ích giúp cho cán bộ, hội viên nói riêng, người khiếm thị nói chung được nâng cao sự hiểu biết, để tự tin hơn trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Dịp này, Thư viện Đà Nẵng phối hợp cùng nhà tài trợ Phương Nguyễn Silk tổ chức cuộc thi vẽ chủ đề “Hạnh phúc của em” với sự tham gia của 41 thí sinh là học sinh trường Phổ thông chuyên biệt Tương Lai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
P.Thủy